Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấn được chào bán ở mức giá 587 USD/tấn vào ngày 10/5, tăng so với mức giá từ 577 - 580 USD/tấn của tuần trước đó.
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tuần vừa rồi giá lúa hầu hết đi ngang do nguồn cung vụ Hè Thu chưa có nhiều. Gạo xuất khẩu tiếp tục ghi nhận tăng giá.
Tại An Giang, theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết các loại lúa đều vẫn duy trì ở mức giá ổn định: OM 18 từ 7.800 - 8.000 đồng/kg, Nàng Hoa 9 có giá từ 7.600 - 7.700 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800 - 8.000 đồng/kg, IR 50404 từ 7.400 - 7.600 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.
Với giá gạo bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dàu từ 19.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000 - 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg; gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg,...
Hiện tại nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu, song diện tích thu hoạch vẫn ở mức nhỏ, nguồn cung chưa nhiều.
Ở tỉnh Đồng Tháp, trong vụ lúa Hè Thu 2024, tỉnh xuống giống 118.700 ha, đạt 63.65% so với kế hoạch, lúa chủ yếu đang ở giai đoạn mạ - trổ chín. Bên cạnh đó, hàng nghìn hécta lúa Hè Thu cho thu hoạch sớm đạt sản lượng hơn 7 tấn/ha, thậm chí có những nơi đạt trên 8 tấn/ha. Trung bình người trồng lúa lãi 29 - 31 triệu đồng/ha, có những nơi lên đến hơn 40 triệu đồng/ha. Để thắng lớn vụ Hè Thu và đảm bảo cung cấp nước đầy đủ cho hơn 180.000 ha lúc, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo ngành nông nghiệp và các ngành liên quan thực hiện các biện pháp chủ động nước tưới.
Ở Sóc Trăng, tỉnh có kế hoạch gieo sạ 139.360 ha trong vụ lúa Hè Thu năm 2024. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện gieo sạ trên 35.000 ha, chủ yếu là ở các khu vực đất trũng có thể chủ động được nguồn nước. Đối với các khu vực đất bị nhiễm mặn, hạn mặn, cơ quan chức năng đang khuyến cáo người dân chậm giao sạ từ 20 đến 30 ngày khi đã xuất hiện mưa trên diện rộng hoặc có nguồn nước ngọt đảm bảo cung cấp nước ổn định mới sản xuất.
Về xuất khẩu, gạo 5% tấm được chào bán ở mức 587 USD/tấn vào ngày 10/5, tăng 7-10 USD/tấn so với mức giá 1 tuần trước đó, theo số liệu từ Hiệp hội lương thực Việt Nam.
Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá gạo tăng cao do nguồn cung hạn chế bởi vụ thu hoạch chính tại Đồng bằng sông Cửu Long đã kết thúc. Tuy nhiên, lý do chính khiến giá gạo cao là do chi phí vận chuyển và giá gạo xuất khẩu tăng cao.
Cũng trong tình hình đó, nhu cầu tăng đã kéo theo giá gạo tại các nước xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á cũng tăng theo. Đặc biệt, ở Thái Lan, đồng baht mạnh lên đã đẩy giá gạo của nước này lên mức cao nhất trong gần 2 tháng. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng nhẹ lên 600 USD/tấn so với mức giá 588 - 595 USD/tấn tuần trước đó. Các thương nhân cho biết sự gia tăng này là do biến động của tỷ giá hối đoái. Một thương nhân ở Bangkok cho biết "nhu cầu không phải là vấn đề khiến giá gạo tăng trong năm nay, chúng tôi chỉ cần đủ nguồn cung", đồng thời nói thêm rằng các thị trường chính nhập khẩu gạo Thái Lan bao gồm Indonesia và Phillipines. Một thương nhân khác cho biết, thị trường đang dự đoán nguồn cung gạo sẽ gia tăng vào khoảng tháng Sáu và tháng Bảy.
Ở Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, gạo 5% tấm được chào bán ở mức từ 531 - 539 USD/tấn trong tuần qua, tăng nhẹ so với mức từ 528 - 536 USD/tấn của tuần trước. Một nhà xuất khẩu ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ, cho biết: "Nhu cầu nhập khẩu gạo ở các nước châu Phi đã tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn ở mức thấp hơn bình thường".
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh tuyên bố giống như năm ngoái, nước này không cần phải nhập khẩu gạo trong năm nay. Tuy nhiên chính phủ nước này vẫn đang gặp phải những khó khăn trong việc kiểm soát giá gạo trong nước, mặc dù sản lượng và lượng dự trữ đều ở mức khả quan.