Thị trường dầu mỏ mở đầu tuần mới với xu hướng giảm giá, khi lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu, qua đó tác động tiêu cực đến nhu cầu sử dụng năng lượng.
Tính đến đầu giờ sáng thứ Hai (theo giờ GMT), giá dầu Brent hợp đồng tương lai giảm 0,45%, xuống mức 64,47 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ cũng hạ 0,44% còn 61,23 USD/thùng. So với đầu tháng, mỗi loại dầu đã mất khoảng 10 USD/thùng, phản ánh tâm lý bi quan ngày càng tăng của nhà đầu tư trước căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo dự báo mới nhất từ Goldman Sachs, giá dầu Brent dự kiến dao động quanh mức trung bình 63 USD/thùng trong phần còn lại của năm 2025, và giảm xuống 58 USD vào năm 2026. Tương tự, dầu WTI được dự đoán đạt trung bình 59 USD năm nay và 55 USD vào năm sau. Ngân hàng này cho biết nhu cầu dầu toàn cầu trong quý IV/2025 chỉ tăng khoảng 300.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, do triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu đi. Trong đó, lĩnh vực hóa dầu được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề nhất.
Căng thẳng thương mại leo thang sau khi Bắc Kinh thông báo tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ lên đến 125%, nhằm đáp trả việc chính quyền Tổng thống Trump trước đó nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Dù Washington đã tạm miễn thuế cho một số mặt hàng điện tử như điện thoại thông minh và máy tính, song Bộ trưởng Thương mại Mỹ vẫn xác nhận rằng các mặt hàng công nghệ chiến lược – bao gồm cả chất bán dẫn – sẽ chịu thêm thuế mới trong vòng hai tháng tới.
Ngoài ra, Moody's Analytics cảnh báo nền kinh tế Trung Quốc không sẵn sàng đối đầu trong cuộc chiến thương mại kéo dài, dẫn chứng bằng số liệu cho thấy giá tiêu dùng tiếp tục giảm tháng thứ hai liên tiếp, còn giá sản xuất đã giảm suốt 30 tháng qua.
Trước nguy cơ nhu cầu suy giảm, các công ty dầu khí Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan trong tuần qua với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2023. Đây cũng là tuần thứ ba liên tiếp tổng số giàn khoan dầu và khí giảm, theo dữ liệu từ Baker Hughes.
Trong bối cảnh đó, phát biểu mới đây của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ rằng nước này có thể ngăn cản xuất khẩu dầu của Iran – nhằm tăng sức ép trong vấn đề hạt nhân – được xem là yếu tố có thể hỗ trợ giá dầu. Mỹ và Iran cũng vừa kết thúc vòng đàm phán được mô tả là "tích cực" tại Oman, và dự kiến sẽ tiếp tục trao đổi trong tuần tới.
Dù vậy, Goldman Sachs vẫn giữ quan điểm thận trọng, cho rằng nếu kinh tế toàn cầu suy thoái hoặc OPEC+ đảo ngược hoàn toàn mức cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày, giá dầu Brent trong năm 2026 có thể rơi xuống ngưỡng 40 USD/thùng, thậm chí thấp hơn trong kịch bản xấu nhất.