Giá dầu thô đã giảm vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Ba 30/7 ở châu Á, kéo dài đà giảm từ phiên giao dịch trước đó trước những lo ngại về nhu cầu từ Trung Quốc cũng như khi thị trường rũ bỏ những rủi ro về căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Hợp đồng tương lai dầu Brent đã giảm 12 cent, tương đương 0.15% xuống mức 79.78 USD/thùng lúc 7h33 sáng nay. Trong khi đó, hợp đồng tương lai dầu WTI giảm 14 cent, tương đương 0.18% xuống còn 75.67 USD/thùng.
Một loạt các tin tức kinh tế đáng thất vọng từ Trung Quốc đã làm rung chuyển thị trường trong thời gian gần đây. Chỉ số hoạt động sản xuất của nước này nhiều khả năng sẽ giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7, theo một khảo sát được Reuters công bố vào thứ Hai.
Cũng trong thứ Hai, Citi đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ 5% xuống 4.8%, sau khi tăng trưởng quý II đã không vượt qua mức dự báo của các nhà phân tích, đồng thời ghi chú rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ còn trở nên mềm hơn sau tháng 7.
Thị trường đang chờ đợi một cuộc họp sắp tới của Bộ Chính trị Trung Quốc, được dự kiến diễn ra vào tuần này, với kỳ vọng có thể gợi ra các chính sách hỗ trợ kinh tế hơn nữa.
Tuy nhiên những kỳ vọng này đã bị giới hạn sau Hội nghị Trung ương Đảng 3, một cuộc họp chính sách quan trọng vào giữa tháng 7, phần lớn chỉ nhắc lại các mục tiêu kinh tế hiện có và đã thất bại trong việc nâng cao tâm lý thị trường.
Ở phiên giao dịch ngày hôm trước, giá dầu đã giảm 2% sau khi Israel cảnh báo rằng phản ứng của họ đối với cuộc tấn công bằng tên lửa của lực lượng Hezbollah vào Cao nguyên Golan vào thứ Bảy sẽ được tính toán cẩn thận để tránh kéo Trung Đông vào một cuộc chiến toàn diện.
Điều này đã được củng cố bởi một nỗ lực ngoại giao của Hoa Kỳ, theo Reuters đưa tin vào thứ Hai, nhằm hạn chế phản ứng của Israel và ngăn chặn họ tấn công vào thủ đô Beirut của Lebanon hay bất cứ một cơ sở hạ tầng quân sự lớn nào nhằm trả đũa.
Ở Venezuela, lực lượng đảng đối lập cho biết họ đã giành chiến thắng với 73% số phiếu bầu, bất chấp việc Cơ quan Bầu cử Quốc gia nước này đã công bố chiến thắng thuộc về Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro, đánh dấu nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.
“Chiến thắng của Nicolas Maduro trong cuộc bầu cử mới nhất của Venezuela có thể dẫn đến một cơn gió ngược đối với nguồn cung toàn cầu, bởi nó có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt chặt chẽ hơn từ Mỹ”, theo các nhà phân tích của ANZ cho biết trong một ghi chú, ước tính điều này có thể cắt giảm sản lượng xuất khẩu dầu của Venezuela từ 100,000 đến 120,000 thùng/ngày.
Chính phủ Mỹ và nhiều nơi khác cũng đã đặt ra những nghi ngờ về kết quả cuộc bầu cử này và yêu cầu công bố chi tiết kết quả phiếu bầu, cùng với những người biểu tình đã xuất hiện trên khắp các thị trấn và thành phố của Venezuela trong thứ Hai.