Giá dầu tăng vào đầu phiên giao dịch tại châu Á ngày thứ Sáu 12/7 cho thấy dấu hiệu của nhu cầu mạnh mẽ trong mùa hè và giảm bớt áp lực lạm phát tại thị trường dầu lớn nhất thế giới, Mỹ, củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 37 cent, tương đương 0.4% lên mức 85.77 USD/thùng lúc 7h31 sáng nay, trong khi dầu thô WTI tăng 50 cent, hoặc 0.6% lên 83.12 USD/thùng.
Cả hau hợp đồng đều đã tăng giá trong hai phiên giao dịch trước đó, nhưng dầu Brent dự kiến sẽ kết tuần giảm 1% sau 4 tuần tăng giá liên tiếp. Mặt khác, dầu thô WTI không có nhiều sự thay đổi trên khung tuần.
Nhu cầu xăng của Mỹ ở mức 9.4 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 5/7, mức cao nhất cho tuần nghỉ lễ Quốc Khánh Mỹ kể từ năm 2019, theo dữ liệu chính phủ công bố vào thứ Tư. Trung bình nhu cầu nhiên liệu cho máy bay trong 4 tuần cũng ở mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2020.
Nhu cầu nhiên liệu mạnh mẽ đã thúc đẩy các nhà máy lọc dầu của Mỹ tăng cường hoạt động và rút bớt dầu thô từ các kho dự trữ, giúp hỗ trợ giá dầu. Các nhà máy lọc dầu ở bờ Vịnh Mỹ tuần vừa qua đã nhập vào ròng hơn 9.4 triệu thùng dầu/ngày lần đầu tiên kể từ tháng 1/2019, dữ liệu chính phủ cho thấy.
Hợp đồng tương lai WTI tháng giao ngay ghi nhận mức chênh lệch cao nhất với tháng theo sau kể từ tháng 4, một dấu hiệu cho thấy sự khan hiếm nguồn cung trong ngắn hạn.
Dữ liệu chính phủ Mỹ vào thứ Năm đã cho thấy sự sụt giảm bất ngờ trong chỉ số giá tiêu dùng vào tháng 6, khơi lên hy vọng rằng Fed sẽ sớm thực hiện cắt giảm lãi suất.
Triển vọng của việc nới lỏng chính sách tiền tệ đã giúp thúc đẩy tâm lý các nhà đầu tư hàng hóa, nhà phân tích Daniel Hynes của ANZ cho biết trong một ghi chú. Đồng đô la yếu đi cũng làm tăng sự quan tâm của nhà đầu tư, Hynes cho biết thêm.
Chỉ số đồng đô la Mỹ đã giảm ngày thứ Ba liên tiếp tính đến thứ Sáu, khi các nhà giao dịch nâng cao đặt cược của họ về việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất vào tháng 9.