Giá dầu thô đã giảm vào thứ Hai khi những lo ngại về nhu cầu yếu đi ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu hàng đầu đã đè nặng lên tâm lý thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng tập trung vào quá trình đàm phán ngừng bắn ở Trung Đông, điều có thể giảm bớt rủi ro về nguồn cung.
Hợp đồng tương lai dầu Brent đã giảm 45 cent, tương đương 0.56% xuống mức 79.23 USD/thùng lúc 13h46 chiều nay. Trong khi đó, hợp đồng tương lai dầu WTI đã giảm 58 cent, tương đương 0.76% xuống còn 76.07 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng này đều đã giảm gần 2% vào thứ Sáu tuần trước khi các nhà tư giảm bớt kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu ở Trung Quốc. Tuy nhiên, cả hai hợp đồng vẫn duy trì mức giá tuần gần như không đổi so với một tuần trước đó, sau khi một loạt dữ liệu của Mỹ vào tuần trước cho thấy lạm phát ở mức vừa phải và doanh thu bán lẻ tăng mạnh.
“Những lo ngại dai dẳng về nhu cầu chậm chạp ở Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng bán tháo”, theo Hiroyuki Kikukawa, chủ tịch của NS Trading, đồng thời bổ sung thêm một yếu tố khác là việc mùa cao điểm du lịch lái xe ở Mỹ đang sắp kết thúc.
“Tuy nhiên, những căng thẳng ở Trung Đông và chiến tranh leo thang giữa Nga và Ukraine đã củng cố cho thị trường”, Kikukawa cho biết.
Dữ liệu hải quan của Trung Quốc trong cuối tuần cho thấy xuất khẩu dầu diesel và xăng của nước này đã giảm đáng kể trong tháng 7, phản ảnh tình hình chế biến dầu thô ở mức thấp trong tháng do biên lợi nhuận thấp.
Các dữ liệu được công bố vào thứ Năm tuần trước cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã mất đà trong tháng 7, với giá nhà mới giảm với tốc độ nhanh nhất trong 9 năm, sản lượng công nghiệp chậm lại và thất nghiệp tăng lên.
Những điều này đã làm gia tăng lo ngại giữa các nhà giao dịch về khả năng nhu cầu sụt giảm từ Trung Quốc, nơi mà tỷ lệ chế biến dầu thô đã giảm mạnh vào tháng trước do nhu cầu nhiên liệu ảm đạm.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã đến Tel Aviv vào Chủ nhật cho một chuyến thăm khác tới Trung Đông để thúc đẩy việc ngừng bắn ở Gaza, tuy nhiên tiến trình này đang bị trì hoãn khi Hamas cáo buộc Israel đang làm suy yếu những nỗ lực đàm phán.
Các quốc gia trung gian bao gồm Qatar, Mỹ và Ai Cập tính đến nay đều đã thất bại trong việc thu hẹp khoảng cách giữa hai bên Palestine và Israel trong việc đạt một thỏa thuận ngừng bắn, và bạo lực vẫn đang tiếp diễn ở dải Gaza vào Chủ nhật.