Giá dầu thô ổn định vào thứ Ba 25/6, chỉ giảm một lượng nhẹ so với mức tăng vào phiên trước do căng thẳng địa chính trị leo thang và kỳ vọng nhu cầu được cải thiện vào hè này. Trong khi đó, các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giao tháng 8 giảm 20 cent xuống 85.81 USD/thùng theo số liệu lúc 16h25 chiều, sau khi đã tăng 0.9% trong phiên ngày hôm qua. Dầu thô WTI giảm 18 cent xuống còn 81.45 USD/thùng sau khi đã tăng 1.1% trong phiên giao dịch trước đó.
Cả hai hợp đồng đều đã tăng khoảng 3% trong tuần vừa rồi, đánh dấu tuần tăng giá thứ hai liên tiếp.
“Giá dầu Brent tháng giao ngay có thể tăng lên trên mức 85 USD trong thời gian ngắn, được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa gia tăng rủi ro địa chính trị và các yếu tố cơ bản tích cực, làm giảm bớt tình trạng bù hoãn bán của thị trường”, theo nhà phân tích Claudio Galimberti của Rystad Energy cho biết.
Bù hoãn bán là tình trạng khi giá kỳ hạn tháng trước cao hơn giá kỳ hạn tháng sau, khiến dầu nhiều khả năng sẽ được sử dụng trong thời điểm hiện tại thay vì được dự trữ cho tương lai.
Tồn kho dầu và nhiên liệu đã giảm đi và nhu cầu cho xăng đang tăng khi Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, bắt đầu giai đoạn cao điểm tiêu dùng trong mùa hè.
Tồn kho dầu thô của Mỹ được dự báo sẽ giảm 3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 21/6, một cuộc khảo sát sơ bộ của Reuters cho biết vào thứ Hai. Tồn kho xăng cũng được dự báo sẽ giảm trong khi tồn kho nguyên liệu chứng cất nhiều khả năng sẽ tăng.
“Sự tăng mạnh trong giá dầu được kích hoạt bởi triển vọng tích cực về nhu cầu và sự sụt giảm trong tồn kho Mỹ. Với việc khu vực Bắc bán cầu đang bắt đầu mùa hè và mùa bão chuẩn bị đến gần, nhu cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng sắp tới”, nhà phân tích thị trường độc lập Tina Feng cho biết.
“Cũng nằm xong tầm chú ý của thị trường đó là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, một chỉ số ưa thích của Fed để đo lường lạm phát, sẽ được công bố vào thứ Sáu. Kết quả này sẽ cho các nhà đầu tư có góc nhìn rõ ràng hơn về việc ngân hàng trung ương sẽ đợi thêm bao lâu trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Trì hoãn trong việc giảm lãi suất có thể kìm hãm sự phát triển kinh tế và hạn chế sự gia tăng trong tiêu thụ nhiên liệu.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi các cuộc tấn công liên tục của Ukraine vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Nga. Vào ngày 21 tháng 6, máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công bốn nhà máy lọc dầu, bao gồm nhà máy lọc dầu Ilsky, một trong những nhà sản xuất nhiên liệu chính ở miền nam nước Nga.