Giá dầu thế giới trong phiên giao dịch sáng thứ Sáu (25/4) tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn trong xu hướng giảm tính theo cả tuần. Những thông tin về khả năng tăng sản lượng từ OPEC+ và triển vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine đang gây áp lực lên thị trường, trong khi các tín hiệu không rõ ràng từ chính sách thuế quan của Mỹ khiến triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu trở nên bất định.
Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng tới tăng nhẹ 5 cent, lên mức 66,60 USD/thùng tính đến 00h01 GMT, nhưng vẫn đang hướng tới mức giảm khoảng 2% trong cả tuần. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ nhích 6 cent lên 62,85 USD/thùng, tuy nhiên cũng dự kiến sẽ giảm gần 2,9% so với tuần trước.
Tình hình địa chính trị tiếp tục là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến thị trường. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chia sẻ với CBS News rằng các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine đang tiến triển tích cực, dù một số điều khoản cụ thể vẫn chưa được thống nhất. Nếu lệnh ngừng bắn được thực hiện và các biện pháp trừng phạt đối với Nga được nới lỏng, lượng dầu từ quốc gia này – vốn là thành viên chủ chốt của liên minh OPEC+ – có thể sẽ tăng mạnh trở lại trên thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, một số quốc gia trong khối OPEC+ đang xem xét đề xuất đẩy nhanh tiến độ tăng sản lượng trong tháng 6. Nếu được thông qua, đây sẽ là tháng thứ hai liên tiếp nhóm này mở rộng quy mô khai thác, điều có thể khiến nguồn cung trên thị trường trở nên dư thừa hơn.
Ngoài Nga, Iran cũng là một yếu tố được thị trường chú ý. Ngoại trưởng Abbas Araqchi cho biết sẵn sàng tới châu Âu để nối lại các cuộc đối thoại về chương trình hạt nhân của Tehran. Một thỏa thuận thành công với phương Tây nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc Mỹ và các nước châu Âu dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu với Iran. Hiện Iran là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trong OPEC, chỉ sau Ả Rập Xê Út và Iraq.
Ở chiều ngược lại, triển vọng tiêu thụ dầu đang chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – hai quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Nhiều doanh nghiệp đang buộc phải tăng giá và điều chỉnh lại kế hoạch tài chính do chi phí tăng cao từ căng thẳng thương mại, kéo theo những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và nguy cơ sụt giảm nhu cầu năng lượng.
Trong bối cảnh thị trường phải đối mặt với hàng loạt yếu tố bất ổn – từ địa chính trị, sản lượng khai thác, cho tới chính sách thương mại – giới phân tích dự báo giá dầu sẽ tiếp tục biến động mạnh trong ngắn hạn và khó xác định xu hướng rõ ràng.