Giá dầu thô tăng vào đầu phiên giao dịch tại châu Á sáng nay, thứ Sáu 28/6, hướng đến tuần tăng thứ Ba liên tiếp, trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung từ căng thẳng địa chính trị leo thang và những gián đoạn liên quan đến thời tiết đã bù lại những dấu hiệu của nhu cầu yếu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giao kỳ hạn tháng 8 (hết hạn vào hôm nay) đã tăng 15 cent, tương đương 0.2% lên mức 86.54 USD/thùng lúc 7h20 sáng. Hợp đồng giao tháng 9 cũng tăng 0.2% lên mức 85.44 USD/thùng.
Dầu thô WTI giao tháng 8 tăng 24 cent, tương đương 0.3% lên mức 81.98 USD/thùng.
Giá dầu hôm nay đã rũ bỏ hoàn toàn những dấu hiệu của nhu cầu yếu ở Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, và tăng cao hơn khi những căng thẳng xuyên biên giới giữa Israel và lực lượng Hezbollah của Lebanon leo thang. Một cuộc chiến quy mô rộng hơn ở khu vực Trung Đông có thể kéo theo các nước Iran, một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất khu vực.
Bộ Ngoại giao Pháp đã bày tỏ quan ngại về tình hình ở Lebanon vào thứ Sáu, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ vừa rồi cho biết nước này ủng hộ lập trường của Lebanon và kêu gọi hỗ trợ của các chính phủ lân cận.
Nguồn cung dầu cũng đang chịu áp lực từ những gián đoạn liên quan đến thời tiết, điều có thể còn tồi tệ hơn trong những tuần tiếp theo. Mưa lớn đã khiến cho sản lượng của Ecuador giảm 100,000 thùng mỗi ngày trong tuần vừa qua, FGE Energy cho biết.
Khu vực Bờ Vịnh Mỹ, nơi tập trung hầu hết năng lượng và cơ sở xuất khẩu của nước này, cũng có khả nắng phải đối mặt với thời tiết bất lợi trong những ngày tới khi Trung tâm Bão Quốc gia Hoa Kỳ đang theo dõi ít nhất một hệ thống thời tiết có thể phát triển thành lốc xoáy và tiến thẳng vào khu vực này.
Cả hợp đồng tương lai dầu Brent và WTI đều đã tăng 1.5% trên khung tuần.
Về phía nhu cầu, sự gia tăng trong tồn kho dầu thô Mỹ và tiêu dùng xăng yếu đã hạn chế đà tăng của giá dầu. Dữ liệu chính phủ Mỹ tuần này cho thấy sự gia tăng bất ngờ trong tồn kho dầu thô trong nước khi nhu cầu nhiên liệu suy yếu.
Tuy nhiên, kỳ vọng vào việc di chuyển kỷ lục trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ có thể thúc đẩy nhu cầu xăng dầu và giúp giảm lượng tồn kho.