Giá dầu cọ Malaysia mở cửa phiên cuối tuần (18/7) tăng mạnh, tiếp tục đà tăng ba tuần liên tiếp nhờ xu hướng tăng của các loại dầu thực vật khác, đặc biệt là dầu cọ và dầu đậu nành trên sàn Đại Liên.


 Hợp đồng dầu cọ kỳ hạn tháng 10 (mã FCPO1!) trên sàn Bursa Malaysia đã tăng 79 ringgit, tương đương 1,88%, lên mức 4.289 ringgit/tấn (khoảng 1.011,32 USD/tấn) tính đến 9h32 sáng giờ Việt Nam. Tính chung cả tuần, giá hợp đồng này đã tăng 2,61%. Trên sàn Đại Liên, hợp đồng dầu đậu nành tăng 0,92%, còn dầu cọ tăng 1,64%; trong khi đó, dầu đậu nành trên sàn Chicago tăng 0,34%.

Giá dầu cọ thường biến động cùng chiều với các loại dầu thực vật khác do cùng cạnh tranh trên thị trường dầu ăn toàn cầu. Về xuất khẩu, theo dữ liệu từ AmSpec Agri Malaysia, xuất khẩu dầu cọ Malaysia trong nửa đầu tháng 7 giảm 5,3% so với cùng kỳ tháng trước, còn Intertek Testing Services ghi nhận mức giảm 6,2%. Dù vậy, chính phủ Malaysia đã nâng giá tham chiếu dầu cọ thô tháng 8, kéo theo thuế xuất khẩu tăng từ 8,5% lên 9%.

 Tại Indonesia, tiêu thụ biodiesel đạt 7,42 triệu kilolit tính đến 16/7, tương đương 47,5% chỉ tiêu năm 2025. Quỹ phát triển đồn điền nước này ước tính sẽ thu được khoảng 30.000 tỷ rupiah (1,84 tỷ USD) từ phí xuất khẩu dầu cọ trong năm 2025, đủ tài trợ cho chương trình nhiên liệu sinh học.

 Giá dầu thô thế giới duy trì ổn định sau phiên tăng do lo ngại các cuộc tấn công bằng UAV vào mỏ dầu ở Iraq có thể làm gián đoạn nguồn cung, trong khi nhu cầu vẫn còn nhiều bất ổn do chính sách thuế chưa rõ ràng tại Mỹ. Giá dầu thô tăng khiến dầu cọ trở nên hấp dẫn hơn cho sản xuất biodiesel. 

Đồng ringgit – đơn vị giao dịch của dầu cọ – giảm nhẹ 0,02% so với USD, khiến dầu cọ trở nên rẻ hơn với người mua sử dụng ngoại tệ. 

Về mặt kỹ thuật, theo chuyên gia Wang Tao, giá dầu cọ có thể kiểm định lại mức kháng cự 4.316 ringgit/tấn; nếu vượt qua, giá có thể tiếp tục tăng lên vùng 4.354–4.392 ringgit/tấn.