Phiên giao dịch ngày thứ Năm ghi nhận giá dầu thế giới tăng gần 3%, nhờ sự lạc quan từ tiến triển tích cực trong các cuộc đàm phán thương mại sắp diễn ra giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới – Mỹ và Trung Quốc, cũng đồng thời là hai quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất toàn cầu.

giá dầu 09/05/2025

Theo đó, giá dầu Brent tăng 1,72 USD/thùng, tương đương 2,8%, lên mức 62,84 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ cũng ghi nhận mức tăng 1,84 USD/thùng, tương đương 3,2%, lên 59,91 USD/thùng.

Dự kiến vào ngày 10/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ – ông Scott Bessent – sẽ gặp gỡ quan chức kinh tế cấp cao của Trung Quốc tại Thụy Sĩ, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng thương mại kéo dài. Theo các nhà phân tích như ông Ole Hvalbye từ SEB, kỳ vọng xung quanh cuộc gặp này đã tạo lực đỡ mạnh cho giá dầu, vốn đang chịu ảnh hưởng bởi triển vọng tiêu thụ kém do thương chiến kéo dài.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia cảnh báo rằng biến động từ các chính sách thuế quan vẫn sẽ tiếp tục chi phối thị trường năng lượng. Ông Jim Ritterbusch từ công ty tư vấn Ritterbusch and Associates nhận định, thay vì bị tác động bởi các rủi ro địa chính trị như trước đây, giá dầu hiện đang chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ các tin tức liên quan đến chính sách thuế của chính quyền Mỹ.

Trong một diễn biến thương mại khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer đã tuyên bố đạt được “thỏa thuận đột phá”. Theo đó, Mỹ vẫn duy trì mức thuế 10% với hàng hóa từ Anh, trong khi phía Anh đồng ý giảm thuế nhập khẩu từ 5,1% xuống còn 1,8% và mở rộng thị trường cho hàng hóa Mỹ.

Về phía nguồn cung, liên minh OPEC+ – gồm các nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đối tác – đã lên kế hoạch tăng sản lượng dầu. Tuy nhiên, theo khảo sát của Reuters, sản lượng tháng 4 của OPEC thực tế lại giảm nhẹ, do nguồn cung từ Venezuela sụt giảm mạnh vì các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, cùng với sự suy giảm từ Iraq và Libya.

Trong báo cáo mới nhất, nhóm phân tích của Citi Research đã hạ dự báo giá dầu Brent trong vòng 3 tháng tới xuống còn 55 USD/thùng, giảm từ mức 60 USD trước đó. Tuy vậy, họ vẫn giữ nguyên dự báo trung hạn ở mức 60 USD/thùng trong năm nay.

Ngoài ra, thị trường cũng đang theo dõi sát các động thái liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran. Theo một số chuyên gia, nếu đạt được thỏa thuận, nguồn cung toàn cầu có thể tăng mạnh, kéo giá Brent xuống gần 50 USD/thùng. Ngược lại, nếu không có tiến triển, giá dầu có thể vọt lên trên 70 USD.

Ở một góc độ khác, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt đối với hai nhà máy lọc dầu quy mô nhỏ của Trung Quốc vì nhập khẩu dầu từ Iran. Điều này buộc các đơn vị này phải bán sản phẩm dưới tên khác, cho thấy mức độ ảnh hưởng mạnh mẽ từ áp lực kinh tế mà Washington đang áp dụng lên quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất Trung Đông.