Sau 7 phiên tăng liên tiếp, giá cà phê trong nước và thế giới đã đồng loạt quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày 18/4. Áp lực đến từ việc chỉ số đồng USD (DXY) mạnh lên và lượng tồn kho tăng trở lại, khiến đà tăng của thị trường bị chững lại.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê khu vực Tây Nguyên ghi nhận giảm mạnh từ 2.200 – 2.500 đồng/kg, giao dịch quanh mức 130.500 – 131.500 đồng/kg. Đắk Nông vẫn là địa phương có mức thu mua cao nhất, đạt 131.500 đồng/kg, giảm 2.300 đồng. Trong khi đó, cà phê tại Đắk Lắk và Gia Lai cùng giảm 2.500 đồng xuống còn 131.200 đồng/kg. Tại Lâm Đồng, giá cũng giảm 2.200 đồng, về mức thấp nhất là 130.500 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, sàn London ghi nhận giá robusta giao tháng 5/2025 giảm 2,51% (tương đương 135 USD/tấn), xuống còn 5.253 USD/tấn. Hợp đồng tháng 7/2025 giảm nhẹ hơn, 1,9% (102 USD/tấn), còn 5.277 USD/tấn. Cùng lúc đó, giá arabica trên sàn New York cũng điều chỉnh giảm, với hợp đồng tháng 5/2025 mất 0,15% (0,55 US cent/pound), về 375,5 US cent/pound. Kỳ hạn tháng 7/2025 giảm 1,2 US cent, còn 372,6 US cent/pound.
Nguyên nhân chủ yếu khiến thị trường điều chỉnh là do đồng USD bật tăng, khiến giá hàng hóa định giá bằng USD – trong đó có cà phê – trở nên kém hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, báo cáo mới nhất cho thấy lượng tồn kho arabica do ICE giám sát đã tăng lên mức cao nhất trong 1 tháng, đạt 795.588 bao. Tồn kho robusta cũng tăng lên 4.272 lô – mức cao nhất trong vòng một tuần.
Ngoài ra, giới đầu cơ đã bắt đầu xả bớt các hợp đồng mua khống để phòng ngừa rủi ro trước kỳ nghỉ lễ Phục Sinh sắp tới, góp phần gây áp lực lên giá cà phê trên các sàn giao dịch.
Báo cáo từ Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 2 đạt 12,2 triệu bao, tăng hơn 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu niên vụ 2024-2025, xuất khẩu vẫn giảm 2,7%, chỉ đạt 54,9 triệu bao so với 56,4 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước.
Trong khi đó, Ethiopia – quê hương của cà phê arabica – ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 1,5 tỷ USD thu về từ xuất khẩu 299.607 tấn cà phê chỉ trong 9 tháng qua. Đây là thành tích cao kỷ lục cả về khối lượng và giá trị kể từ khi quốc gia Đông Phi này bắt đầu đưa cà phê ra thị trường quốc tế. Các cải cách do chính phủ Ethiopia thúc đẩy, tập trung vào việc nâng cao chất lượng và năng suất, được xem là yếu tố then chốt tạo nên bước tiến vượt bậc này.
Ethiopia hiện đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 400.000 tấn cà phê và thu về 2 tỷ USD trong năm tài chính 2025, với 10 thị trường chủ lực gồm Ả Rập Xê Út, Đức, Mỹ, Bỉ, Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE, Nhật Bản, Italy và Jordan – chiếm đến 78% tổng doanh thu xuất khẩu của nước này.