Chính phủ Ấn Độ có thể xem xét việc dỡ bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu lúa gạo áp đặt vào năm ngoái, trong bối cảnh lượng gạo dự thừa lớn và dự báo lượng mưa “cao hơn mức bình thường” có thể thúc đẩy việc gieo trồng lúa trong vụ kharif. 

Thu hoạch lúa ở Ấn Độ

Các nguồn tin từ Financial Express cho biết Ấn Độ sẽ đánh giá việc gieo trồng lúa trong vụ kharif - dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng tới - trước khi đưa ra lời kêu gọi dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu. 

Một quan chức Ấn Độ khác cũng cho biết họ sẽ cần phải xem xét lại lệnh hạn chế xuất khẩu gạo do triển vọng thu hoạch cho vụ kharif có vẻ tươi sáng. 

Vụ lúa kharif chiếm đến 80% tổng sản lượng lúa của Ấn Độ, thường được diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7, khi lượng mưa tăng dần trên khắp cả nước. 

Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) tháng trước đã đưa ra dự báo về việc lượng mưa ‘trên mức bình thường’ vào tháng 6 đến tháng 9 năm nay. Trong đó, khả năng lượng mưa ở mức ‘bình thường đến cao hơn bình thường’ đạt đến 90%. Năm ngoái, việc lượng mưa không đều và dưới mức trung bình đã ảnh hưởng đến sản lượng lúa của Ấn Độ. 

Một quan chức cho biết “Dự trữ dư thừa và triển vọng lượng mưa dồi dào là điềm báo tốt cho việc dỡ bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu gạo”. 

Giá gạo bán lẻ trong tháng 4 đã tăng 12.7% so với cùng kỳ tháng 3, tuy nhiên mức tăng giá dự kiến sẽ giảm nhẹ trong vài tháng tới do hiệu ứng cơ sở cao hơn. Cùng với đó, lạm phát giá gạo đã ở mức hai con số kể từ tháng 10/2022. 

Hiện tại, tồn kho gạo của Tập đoàn Lương thực Ấn Độ (FCI) đang gấp 4 lần lượng dự trữ bắt buộc đến ngày 1/7, mặc dù lượng thu mua trong mùa vụ hiện tại (tháng 10/2023 đến tháng 9/2024) giảm 7% so với cùng kỳ mùa trước. 

Hiện tại nguồn dự trữ tại FCI đang là 53.19 triệu tấn, trong đó 31.81 triệu tấn gạo dự trữ và 21.38 triệu tấn ngũ cốc phải thu từ các nhà xay xát. 

Năm ngoái, chính phủ Ấn Độ ban đầu cấm xuất khẩu gạo trắng, sau đó áp thuế vận chuyển 20% đối với sản phẩm gạo đồ để cải thiện nguồn nội địa khi giá vẫn tăng ở mức hai con số. Ấn Độ chỉ đôi khi cho phép xuất khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu an ninh lượng thực của một số nước trên cơ sở có yêu cầu. 

Trong năm tài chính 2022 - 2023 (từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023), Ấn Độ đã xuất khẩu con số kỷ lục 22 triệu tấn gạo sang hơn 100 quốc gia. Tuy nhiên, trong năm tài chính vừa rồi (2023 - 2024), khối lượng xuất khẩu gạo của Ấn Độ giảm xuống còn khoảng 16 triệu tấn do các hạn chế vận chuyển gạo.

Kể từ năm 2012, Ấn Độ đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với hơn 40% thị phần thương mại toàn cầu hàng năm.