Giá đồng giảm vào thứ Tư, duy trì dưới mức 10,000 USD/tấn do nhu cầu vật chất yếu ở Trung Quốc. Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn kéo dài mức giảm do nhu cầu thép chững lại và kỳ vọng về lượng hàng xuất khẩu cao tới nước tiêu dùng hàng đầu, Trung Quốc, trong tháng 6.
Đồng
Trước đó, vào cuối tháng 5, giá đồng đã tăng lên mức cao kỷ lục với đồng LME đạt 11,104.50 USD/tấn và đồng SHFE tăng lên mức 88,940 nhân dân tệ. Một phần dẫn đến sự tăng giá này đó là do các quỹ đặt cược vào nhu cầu sử dụng đồng trong lĩnh vực năng lượng xanh và khả năng thiếu hụt nguồn cung.
Tuy nhiên, giá hợp đồng tương lai không ổn định đã khiến người mua trên thị trường vật chất đứng ngoài và chờ đợi thị trường ổn định.
Hiện tại, mức tồn kho đồng trên sàn SHFE đang ở mức 321,695 tấn, cao nhất kể từ tháng 4/2020. Tồn kho đồng trên sàn LME cũng tăng lên mức 118,950 tấn, cao nhất kể từ ngày 24/4.
Ở một diễn biến khác, Indonesia tuyên bố sẽ áp thuế xuất khẩu 7.5% đối với các lô hàng tinh quặng đồng, có hiệu lực ngay lập tức, theo thông báo của Bộ Tài chính nước này vào hôm qua, thứ Ba ngày 4/6.
Quặng sắt
Cheng Peng, nhà phân tích tại Sinosteel Futures có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Nguồn cung quặng sắt có thể sẽ duy trì ở mức cao trong tháng 6 trong khi nhu cầu đang hạn chế”.
Các nhà phân tích tại Huatai Futures cho biết giá quặng chịu áp lực giảm do sự sụt giảm trong sản lượng kim loại nóng cùng với việc lượng tồn kho lưu ở cảng vẫn tiếp tục tăng.
Cheng của Sinosteel cũng cho biết thêm: “Tuy nhiên, một số nhà máy thép có thể quay trở lại dự trữ hàng hóa để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong Lễ hội Thuyền rồng sắp tới sau khi giá giảm liên tục, điều này có thể hạn chế tình trạng giảm giá”.
Giá thép trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải giảm điểm. Thép cây giảm 0.55%, thép cuộn cán nóng (HRC) giảm 0.26%, thép dây giảm 0.23% và thép không gỉ giảm 0.83%.
Dữ liệu từ nhà cung cấp Zhaogang cho thấy mức tiêu thụ của các sản phẩm thép tầm cỡ trung, HRC và thép xây dựng giảm mạnh trong tuần này.