Trên thị trường quốc tế, hợp đồng tương lai cà phê Robusta và Arabica đều tăng sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 12/7. Trong khi đó, ở thị trường trong nước, giá cà phê tiếp tục tăng sau khi giảm mạnh vào hôm thứ Năm 11/7. 

Giá cà phê trong nước và quốc tế đều tăng trong ngày 13/7

Cụ thể, ở thị trường nội địa, theo ghi nhận lúc 10h30 sáng nay 13/7, giá cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đã đồng loạt tăng từ 400 - 500 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Đắk Nông là địa phương có giá bán cao nhất với 128,600 đồng/kg, tăng 400 đồng so với ngày hôm qua. Giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai cùng tăng 500 đồng/kg lên mức 128,500 đồng. Trong khi đó, Lâm Đồng là tỉnh có giá thu mua thấp nhất, 127,900 đồng/kg, nhưng cũng đã tăng 500 đồng so với ngày hôm qua. 

Thị trường
Trung bình (nghìn đồng)
Thay đổi
Đắk Lắk
128,500
+500
Lâm Đồng
127,900
+500
Gia Lai
128,500
+500
Đắk Nông
128,600
+400

Trên thị trường quốc tế, hợp đồng cà phê Robusta tại London được giao dịch với giá 4,617 USD/tấn, tăng 0.9% tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 12/7. Trên khung tuần, hợp đồng này đã tăng 10.32% so với thời điểm kết thúc phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước. 

Trong khi đó, hợp đồng tương lai cà phê Arabica trên sàn giao dịch ICE US kết phiên ngày hôm qua với mức giá 248.75 cent/pound, tăng 1.59%. Tính chung cả đồng, hợp đồng này tăng 8.65% so với tuần trước đó. Đây là tuần tăng giá thứ ba liên tiếp với cà phê Arabica. 

Theo báo cáo từ Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), tổng xuất khẩu cà phê các loại của các nước Nam Mỹ trong tháng 5 tăng mạnh 59.6% lên 5.5 triệu bao, giúp tổng sản lượng xuất khẩu trong 8 tháng đầu niên vụ 2023/24 tăng lên thành 44.3 triệu bao, tăng 33.7% so với cùng kỳ niên vụ 2022/23. 

ICO cho biết đà tăng này chủ yếu đến từ Brazil, nước có lượng xuất khẩu tăng tới 79.1% lên mức kỷ lục mới 4.4 triệu bao trong tháng 5. 

Theo ICO, nguyên nhân chính cho đà tăng mạnh mẽ trong sản lượng xuất khẩu của khu vực Nam Mỹ nói chung và Brazil nói riêng là nhờ sản lượng của hai vụ thu hoạch trong hai niên vụ 2022/23 và 2023/24 tại Brazil tăng lần lượt 8.4% và 9.2%.  

Trái ngược với các nước Nam Mỹ, tình hình xuất khẩu cà phê tại châu Á và châu Đại Dương đã giảm mạnh 39.3% xuống còn 2.4 triệu bao trong tháng 5. Tổng cộng xuất khẩu 8 tháng đầu niên vụ của khu vực này giảm 7.2% xuống còn 29.9 triệu bao. 

Trong đó, riêng với Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất khu vực, sản lượng xuất khẩu trong tháng 5 đã giảm 46.9% xuống còn 1.36 triệu bao. Lũy kế 8 tháng đầu niên vụ 2023/24, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu 20.28 triệu bao, giảm 6.6% so với cùng kỳ niên vụ trước. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do tồn kho trong nước gần như đã hết trong khi vụ thu hoạch vẫn còn khoảng 3 tháng nữa. 

Tương tự với Việt Nam, xuất khẩu cà phê của Indonesia đã giảm tới 67.1% so với cùng kỳ năm 2023, xuống chỉ còn 0.2 triệu bao.