Sau hiệp định đình chỉ thuế 90 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc thị trường nông sản toàn cầu đã có sự khởi sắc nhất định trong những ngày đầu tuần, đặc biệt đến từ nhóm đậu tương, trong khi ngô và lúa mì vẫn còn khá dè dặt.
Mỹ – Trung hạ nhiệt thương mại: lực đẩy quan trọng về tâm lý và kỳ vọng
Cuối tuần qua, Mỹ và Trung Quốc bất ngờ thông báo giảm thuế nhập khẩu song phương trong 90 ngày nhằm tạo điều kiện đàm phán sâu hơn cho một thỏa thuận thương mại dài hạn. Cụ thể: Mỹ giảm thuế từ 145% xuống 30%, Trung Quốc giảm từ 125% xuống 10%
Thông tin này đã ngay lập tức tạo hiệu ứng tâm lý tích cực lên thị trường hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng có tính “nhạy cảm chính sách” như đậu tương và thịt heo những ngành từng chịu tổn thương sâu sắc trong chiến tranh thương mại giai đoạn 2018–2020.
Dù một số nhà phân tích vẫn giữ thái độ thận trọng về việc Trung Quốc có thực hiện đúng cam kết hay không, nhưng rõ ràng thị trường đang kỳ vọng vào khả năng nối lại các đơn hàng đậu tương quy mô lớn từ Mỹ trong thời gian tới điều đã từng dẫn dắt sóng tăng mạnh trong quá khứ.
Xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ sang Trung Quốc trong và sau thương chiến 2018
Đậu tương, lúa mì phục hồi nhưng chưa quá đột phá, ngô bị đánh giá thấp
Giá đậu tương tăng trở lại sau khi USDA công bố báo cáo WASDE tháng 5 cho thấy tồn kho đậu tương vụ mới chỉ còn 295 triệu giạ, thấp hơn kỳ vọng.
Tỷ lệ tồn kho/sử dụng đậu tương Mỹ niên vụ 2025/26
Trong khi đó tồn kho ngô vụ mới duy trì ở mức 1,8 tỷ giạ, dưới ngưỡng "tâm lý" 2 tỷ giạ.
Tỷ lệ tồn kho/sử dụng ngô toàn cầu niên vụ 2025/26 (không tính Trung Quốc)
Tâm lý thị trường còn khá thận trọng do số liệu chưa phản ánh kịp thời thông tin giảm thuế mới từ Trung Quốc. Một phần khác phản ánh sự nghi ngờ về tính khả thi của mức năng suất mà USDA dự báo đặc biệt với ngô trong bối cảnh diện tích gieo trồng mở rộng sang vùng đất ít màu mỡ hơn và nhiệt độ mùa hè dự báo cao hơn trung bình.
Lúa mì hồi phục nhẹ tuy nhiên thị trường lúa mì đang chứng kiến sự thay đổi đáng chú ý. Theo dự báo của USDA, tỷ lệ tồn kho so với tiêu dùng của các nước xuất khẩu lúa mì chính trong niên vụ 2025/26 có thể đạt 16,59%, đây là mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Điều này đánh dấu sự đảo chiều so với những năm trước, khi thị trường liên tục lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung và tồn kho lúa mì duy trì ở mức thấp trong thời gian dài.
Tồn kho/sử dụng lúa mì ở các nước xuất khẩu chính
Mặc dù các yếu tố cơ bản lúa mì đang có sự thay đổi tuy nhiên trên biểu đồ kỹ thuật khung ngày lúa mì đang tiến gần đến điểm kết thúc của xu hướng giảm kéo dài suốt từ tháng 3/2022 đến nay. Các thiết lập kỹ thuật hiện tại đang ủng hộ một kịch bản phục hồi kỹ thuật trong ngắn hạn. Giá lúa mì đã hoàn tất cấu trúc 5 sóng giảm theo lý thuyết Elliott, với sóng (V) – là sóng cuối cùng của chu kỳ.
Bên trong sóng (V), các sóng nhỏ ((A)) và ((B)) đã hoàn tất. Hiện tại, sóng ((C)) đang được hình thành và được đánh giá là đang đi vào giai đoạn giữa của nhịp giảm cuối. Kênh giá thu hẹp dần giữa hai đường xu hướng trên và dưới làm tăng xác suất kết thúc xu hướng giảm.
Thời tiết - yếu tố rủi ro có thể kích hoạt sóng giá mới
Thời tiết đang trở thành yếu tố đáng chú ý tiếp theo. Tại các bang vùng Trung Tây Hoa Kỳ, nhiệt độ đã vượt ngưỡng 32°C trong nhiều ngày, đặc biệt ở khu vực vành đai ngô phía tây, nơi đã ghi nhận tình trạng khô hạn kéo dài. Mặc dù cây trồng còn non, nhưng tâm lý thị trường sẽ rất nhạy cảm nếu thời tiết tiếp tục xấu trong tháng 6 , giai đoạn quan trọng định hình năng suất ngô và đậu.
Lượng mưa tại Mỹ trong 30 ngày qua
Theo Snodgrass, 40–45 ngày tiếp theo (từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6) sẽ là giai đoạn bản lề đối với toàn bộ mùa vụ 2025. Biến động của nhiệt độ biển trong thời gian này sẽ quyết định "xung lực khí quyển" ,yếu tố then chốt chi phối nhịp độ và cường độ của các hệ thống thời tiết trong suốt mùa sinh trưởng.
Độ ẩm trong đất tại Hoa Kỳ
Nếu nhiệt độ biển ven bờ Thái Bình Dương ấm dần trở lại, khí quyển sẽ chuyển động nhanh hơn tạo ra nhiều biến động thời tiết hơn, sinh ra nhiều mưa hơn, giảm thiểu nguy cơ hạn.
Ngược lại, nếu nhiệt độ biển tiếp tục duy trì lạnh, các khối khí lạnh ổn định sẽ chiếm ưu thế, ngăn cản hình thành mưa quy mô lớn tăng nguy cơ xảy ra hạn hán diện rộng tại vành đai ngô và khu vực miền Trung nước Mỹ.
Hiện tại, các mô hình dài hạn đã bắt đầu chỉ ra xu hướng khô hạn trong các tháng hè, và điều này đang được theo dõi chặt chẽ bởi cả giới khí tượng và các nhà đầu tư nông sản.
Thị trường nông sản đã có cú hồi phục tâm lý quan trọng từ các yếu tố vĩ mô đặc biệt là quan hệ thương mại Mỹ – Trung và thời tiết mùa vụ. Tuy nhiên, giá chưa bứt phá mạnh khi thị trường vẫn đang chờ xác nhận từ thực tế xem liệu Trung Quốc có mua hàng thật không? Thời tiết có gây thiệt hại không? Với mức định giá hiện tại (giá ngô quanh 4,30, đậu tương dưới 11 USD/giạ, lúa mì quanh 500), rủi ro giảm không nhiều, nhưng cơ hội tăng giá sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến thời tiết từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6.
Tổng hợp các yếu tố hỗ trợ và rủi ro ảnh hưởng đến giá nông sản
Yếu tố hỗ trợ | Yếu tố rủi ro |
Mỹ - Trung giảm thuế, nối lại đối thoại | Trung Quốc không thực hiện đúng cam kết |
Tồn kho ngô và đậu thấp hơn dự kiến | USDA có thể điều chỉnh lại khi thời tiết cải thiện |
Thời tiết nóng, khô đầu vụ | Nếu điều kiện cải thiện nhanh, giá sẽ bị kìm lại |
Nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu khởi sắc | Xuất khẩu Mỹ tiếp tục bị cạnh tranh bởi Nam Mỹ |
Nhìn chung, việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại tạm thời đã mang lại rất nhiều cơ hội cho thị trường nông sản. Để có thêm những tin tức và nhận định chuyên sâu về thị trường này, vui lòng liên hệ với HCT để có thêm những thông tin chi tiết.
Ngoài ra, ngày 21 và 22/5/2025 tới đây, HCT sẽ tổ chức khóa đào tạo online “Vững vàng đầu tư
hàng hóa cùng HCT”. Đây là khóa học được tổ chức định kỳ hàng tháng nhằm giúp khách hàng có thêm những kiến thức nền tảng về thị trường hàng hóa.
Đặc biệt, chương trình đào tạo tháng 5/2025 sẽ tập trung vào thị trường nông sản CBOT. Thông qua 2 buổi đào tạo, quý khách hàng sẽ có cái nhìn tổng quan về cách hoạt động và các yếu tố ảnh hưởng đến giá nông sản trên sàn CBOT, từ đó nắm bắt được chiến lược đầu tư phù hợp với nhóm hàng hóa này.