Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), trong tuần giao dịch từ ngày 4 đến 8/11 vừa qua, dòng tiền của các nhà đầu tư đã có xu hướng chuyển dịch từ các tài sản trú ẩn sang các thị trường có khả năng sinh lời cao hơn, như hàng hóa. Lực mua áp đảo đã đẩy chỉ số MXV-Index tăng 0,63%, lên mức 2.177 điểm.

Thị trường hàng hóa tuần vừa qua

Thị trường nông sản tăng mạnh trong tuần 

Đặc biệt, trên thị trường nông sản, giá đậu tương và ngô tăng mạnh gần 4%, nhờ nguồn cung thấp hơn dự báo và nhu cầu cao. Ngoài ra, trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá cà phê đã chấm dứt chuỗi giảm kéo dài nhiều tuần trước đó.

Sự dịch chuyển dòng tiền sang hàng hóa có tính sinh lời cao đã thúc đẩy thị trường nông sản trở thành tâm điểm với sự tăng giá của 5 trong số 7 mặt hàng. Giá đậu tương tăng hơn 3,5%, tiếp nối đà tăng qua năm phiên liên tiếp, nhờ nhu cầu mạnh và các số liệu “bullish” từ báo cáo cung - cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 11.

Biến động giá nông sản tuần vừa qua

Hải quan Trung Quốc cho biết trong tháng 10, quốc gia này đã nhập khẩu 8,09 triệu tấn đậu tương, mức cao nhất trong bốn năm qua, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, do các nhà nhập khẩu tăng cường dự trữ. Trong 10 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu 89,9 triệu tấn đậu tương, tăng 11,2% so với năm ngoái và gần đạt mức nhập khẩu cả năm 2023. Nếu nhu cầu trong hai tháng cuối năm duy trì ở mức cao, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc có thể đạt mức kỷ lục.

Ngoài ra, cuối tuần qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã công bố báo cáo WASDE tháng 11 với dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2024-2025 giảm mạnh, chỉ còn 51,7 giạ/mẫu, thấp hơn dự đoán của thị trường. Sản lượng và tồn kho đậu tương cuối niên vụ cũng giảm mạnh, đẩy giá đậu tương tăng vọt sau báo cáo này. 

USDA dự báo sản lượng ngô và đậu tương của Mỹ trong vụ tới

Giá ngô cũng tăng gần 4% trong tuần qua, nhờ triển vọng nguồn cung giảm. Báo cáo cho thấy sản lượng ngô của Mỹ dự kiến chỉ còn 15,1 tỷ giạ, giảm 60 triệu giạ so với dự báo trước đó, do năng suất thấp hơn.

Trong nước, giá ngô nhập khẩu từ Nam Mỹ ghi nhận ổn định. Tại cảng Vũng Tàu, ngô kỳ hạn giao tháng 12/2024 được chào bán ở mức 6.650 - 6.700 đồng/kg, trong khi kỳ hạn tháng 1 năm sau dao động từ 6.700 - 6.750 đồng/kg.

Thị trường cà phê cũng ghi nhận sắc xanh 

Thị trường cà phê cũng cho thấy sắc xanh, với giá cà phê Robusta tăng 2,27%, chấm dứt chuỗi giảm 5 tuần, và giá cà phê Arabica tăng 4,28% sau hai tuần giảm trước đó. Đà tăng được hỗ trợ bởi đồng USD mạnh lên và mưa ít hơn trung bình tại một số vùng trồng cà phê chính ở Brazil. Chất lượng vụ mùa 2025-2026 của Brazil có thể bị ảnh hưởng do hạn hán kéo dài trước đó.

Biến động giá nguyên liệu công nghiệp trong tuần qua

Các quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu đều ghi nhận số liệu tích cực. Trong tháng 10, xuất khẩu của Brazil, Colombia, Honduras, và Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tồn kho cà phê tại châu Âu đã tăng tháng thứ 5 liên tiếp, hỗ trợ nguồn cung toàn cầu, góp phần kìm hãm đà tăng của giá. 

Theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 9 đạt gần 10,8 triệu bao, tăng 24,9% so với tháng 9/2023, và tổng xuất khẩu niên vụ 2023-2024 đã đạt 137,3 triệu bao, tăng 11,7% so với niên vụ trước.

>>>> XEM THÊM: 

Hàng hóa phái sinh là gì? Tiềm năng của thị trường đầu tư hàng hóa

Giao dịch hàng hóa là gì? Đặc điểm, rủi ro và cơ hội