Kết thúc phiên giao dịch 29/6, giá dầu tăng nhẹ do hy vọng về sự phục hồi nhu cầu, vàng giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tuần, đồng giảm phiên thứ 4 liên tiếp còn quặng sắt đảo chiều giảm.

Dầu tăng nhẹ

Chốt phiên 29/6, dầu Brent tăng 8 US cent hay 0,1% lên 74,76 USD/thùng, dầu thô WTI tăng 7 US cent hay 0,1% lên 73,19 USD/thùng.

Tổng thư ký OPEC ông Mohammad Barkindo cho biết nhu cầu dầu mỏ năm 2021 dự kiến tăng 6 triệu thùng/ngày, với 5 triệu thùng/ngày đến trong nửa cuối năm. Tổ chức này được dự kiến dần tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu.

Dự báo nhu cầu của OPEC cho thấy nguồn cung dầu mỏ toàn cầu quý 4 sẽ thấp hơn nhu cầu 2,2 triệu thùng, tạo điều kiện cho một số nhà sản xuất đồng ý tăng thêm sản lượng.

Giới phân tích cho biết thị trường hy vọng việc triển khai chương trình tiêm chủng sẽ làm triển vọng nhu cầu tươi sáng lên ngay cả khi diễn biến của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn khó lường.

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, những điểm nghỉ hè yêu thích của người Châu Âu đã áp đặt những hạn chế mới với người chưa tiêm phòng đến từ Anh, trong khi người Australia cũng đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt hơn do sự bùng phát của virus trên khắp đất nước.

Vàng giảm xuống mức thấp nhất 11 tuần

Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 4 do USD mạnh ở thời điểm trước khi Mỹ công bố báo cáo việc làm trong tuần này.

Vàng giao ngay giảm 0,93% xuống 1.761,66 USD/ounce, sau khi chạm 1.749,2 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 15/4. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 1% xuống 1.763,6 USD/ounce.

Nhà chiến lược thị trường tại RJO Futures cho biết song song với việc đồng USD mạnh lên, một số nhà đầu tư dường như dự đoán số liệu việc làm tốt hơn mong đợi. Theo thăm dò của Reuters, lĩnh vực phi nông nghiệp dự kiến tăng 690.000 việc làm trong tháng này so với 559.000 việc làm trong tháng 5.

Ngày càng nhiều dấu hiệu chỉ ra Mỹ sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, tạo ra áp lực đối với vàng, khả năng đưa giá vàng xuống 1.730 USD/ounce. Chỉ số USD tăng 0,2% khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác. 

Đồng giảm phiên thứ tư, nhôm tăng

Giá đồng giảm do số ca nhiễm virus corona đang tăng lên, gây nghi ngờ về sự phục hồi nhanh chóng của các nền kinh tế, trong khi nguồn cung kim loại này dồi dào.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 0,3% xuống 9.352 USD/tấn sau khi giảm xuống mức thấp 9.236 USD/tấn. Đây là phiên giảm giá thứ tư liên tiếp của kim loại này.

Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trong tuần này và có thể công bố các biện pháp thúc đẩy nhu cầu và tiêu thụ trong nước.

USD mạnh lên kéo giá đồng giảm 13% kể từ mức cao kỷ lục 10.747,5 USD/tấn hồi tháng 5. Dự trữ đồng của sàn LME giảm 1.350 tấn xuống 197.025 tấn nhưng vẫn tăng 160% trong năm nay.

Trong khi đó giá nhôm tăng bởi những lo ngại về nguồn cung tại Nga và tồn kho đang giảm. Nga đang chuẩn bị các mức thuế xuất khẩu mới với các sản phẩm thép, nickel, nhôm và đồng.

Nhôm giao sau 3 tháng tại London tăng 1,9% lên 2.537 USD/tấn trong khi chì tăng 3% lên 2.299 USD/tấn.

Quặng sắt Đại Liên mất chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp

Giá quặng sắt giảm bởi nhu cầu thép tại Trung Quốc giảm khi thời tiết không thuận lợi và chính phủ Trung Quốc dự định can thiệp thị trường của để hạ nhiệt giá tăng cao.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giảm 2,7% xuống 1.153 CNY (178,57 USD)/tấn sau 4 phiên tăng liên tiếp.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 7 tại Singapore giảm 2,3% xuống 207,75 USD/tấn.

Theo công ty tư vấn Mysteel, giá nguyên liệu thép xây dựng giao ngay giảm tiếp trong ngày 28/6.

Khối lượng thép xây dựng giao dịch trong ngày 28/6 gồm thép thanh, thép cuộn của 237 thương nhân Trung Quốc được Mysteel khảo sát đã giảm 17.608 tấn xuống 193.481 tấn do thời tiết nóng ẩm.

Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe vẫn trên 200 USD/tấn, nhưng đã giảm 5,2% từ mức cao kỷ lục 232,5 USD/tấn đạt được trong ngày 12/5. Hợp đồng quặng sắt Đại Liên thanh khoản nhất đã sụt giảm 15,1% trong cùng giai đoạn này, sau khi các cơ quan giám sát thị trường Trung Quốc nhắc lại cảnh báo chống lại việc tích trữ và đầu cơ thị trường.

Thép thanh tại Thượng Hải giảm 0,5% trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,1%. Thép không gỉ giảm 0,8%.

Cao su Nhật Bản giảm

Giá cao su Nhật Bản mất 2% do lo ngại nhu cầu yếu hơn ngày càng tăng khi một số quốc gia tái phong tỏa để kiềm chế sự lây lan của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 5,3 JPY hay 2,2% xuống 232 JPY (2,1 USD)/kg.

Cao su kỳ hạn tháng 9 tại Thượng Hải giảm 275 CNY xuống 12.845 CNY (1.989 USD)/tấn.

Cao su kỳ hạn tháng 7 tại sàn SICOM Singapore giảm 0,9% xuống 164 US cent/kg.

Cà phê giảm

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 2,5 US cent hay 1,5% xuống 1,6020 USD/lb. Giá đã đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 6 tại 1,64 USD/lb.

Thị trường sẽ vẫn biến động khi một khối không khí lạnh cực mạnh đang di chuyển qua các khu vực nam và đông nam Brazil trong tuần này, với dự báo nhiệt độ giảm trong ngày thứ tư và thứ năm, nguy cơ băng giá ở một số khu vực thấp.

Có thông tin băng giá xuất hiện ở bang Parana, khu vực trồng cà phê ở cực nam của Brazil. Mặc dù bang này chiếm chưa tới 5% tổng sản lượng cà phê arabica, nhưng băng giá có thể tác động theo cấp số nhân lên giá vì nó có thể làm cây cà phê chết hoàn toàn.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây sức ép lên giá cà phê là sự sụt giảm của các thị trường tài chính, khi người ta lo sợ về biến thể Covid-19 mới.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 giảm 36 USD hay 2,1% xuống 1.675 USD/tấn.

Xuất khẩu cà phê robusta của Việt Nam trong nửa đầu năm giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước xuống 825.000 tấn.

Đường trắng giảm

Đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa ổn định tại 17,23 US cent/lb.

Các nhà máy tại Brazil đang dần bắt đầu giảm khối lượng mía để sản xuất đường.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 0,9 USD hay 0,2% xuống 432,4 USD/tấn.

Đậu tương ổn định

Giá đậu tương trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa ổn định trước khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố số liệu trồng trọt và dự trữ ngũ cốc vào ngày 30/6.

Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11 đóng cửa ổn định tại 13,12-1/2 USD/bushel.

Theo một thăm dò của Reuters, các nhà phân tích dự kiến USDA tăng ước tính với diện tích trồng đậu tương 1,5% so với tháng 3 lên 88,955 triệu mẫu, họ cũng dự keiens tồn kho đậu tương của Mỹ tính tới 1/6 là 787 triệu bushel giảm từ 1,381 tỷ bushel một năm trước.