Là một trong những ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ, Bank of America sở hữu mạng lưới hoạt động rộng khắp thế giới, cung cấp đa dạng các sản phẩm và dịch vụ tài chính cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Bài viết này sẽ đi sâu phân tích mô hình kinh doanh cũng như tình hình hiện tại của Bank of America, từ đó giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan hơn về tập đoàn tài chính này.
Giới thiệu về Bank of America ($BAC)
Thành lập năm 1874, Bank of America Corporation (BofA) là tổ chức ngân hàng lớn thứ hai tại Hoa Kỳ, sau JPMorgan Chase và là ngân hàng lớn thứ tám trên thế giới. Bank of America là nằm trong nhóm 4 “too big to fail” của hệ thống tài chính Mỹ, phục vụ khoảng 10% tổng số tiền gửi ngân hàng của người dân Mỹ, cạnh tranh trực tiếp với JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo.
Bank of America giữ vững vị thế số 2, tính theo cả tài sản lẫn vốn hóa thị trường
Với tổng tài sản trị giá 3.26 nghìn tỷ đô la Mỹ tính đến ngày 06/30/2024, BofA cung cấp một loạt các sản phẩm và dịch vụ tài chính ngân hàng và phi ngân hàng thông qua khoảng 3,800 trung tâm tài chính và 15,000 máy rút tiền tự động (ATM) trên toàn quốc.
Tuy chủ yếu được biết đến như một ngân hàng tiêu dùng, mảng ngân hàng đầu tư của BofA cũng rất phát triển nhờ thương vụ mua lại Merrill Lynch vào năm 2008. Trong năm 2023, BofA đứng số 1 trong mảng M&A với tổng giá trị thương vụ tư vấn lên tới hơn 28 tỷ USD.
Mô hình kinh doanh
Bank of America hoạt động trong 4 mảng chính: ngân hàng tiêu dùng, quản lý đầu tư và tài sản, ngân hàng toàn cầu và thị trường toàn cầu.
Doanh thu theo lĩnh vực hoạt động:
1. Ngân hàng tiêu dùng (chiếm 39% tổng doanh thu và 38% thu nhập ròng năm 2023)
Ngân hàng Tiêu dùng là mảng kinh doanh chính của BofA, đóng góp gần 40% doanh thu của ngân hàng và cùng JPM đứng đầu về khối lượng tiền gửi cá nhân ở Mỹ.
BofA có 2 mảng kinh doanh chính là tiền gửi và cho vay tiêu dùng, phục vụ hai nhóm khách hàng chính: cá nhân và doanh nghiệp nhỏ.
Với tăng trưởng doanh thu đều đặn ở mức 5.7% mỗi năm trong 10 năm qua, Bank of America chắc chắn sẽ giữ vững thị phần trong mảng Consumer Banking đặc biệt trong bối cảnh các khủng hoảng vừa qua buộc người dân và doanh nghiệp đi tìm những tên tuổi vững chắc hơn.
2. Quản lý đầu tư và tài sản (chiếm 20% tổng doanh thu và 13% thu nhập ròng năm 2023)
Lĩnh vực Quản lý đầu tư và tài sản (GWIM) bao gồm hai mảng kinh doanh chính: Merrill Wealth Management (MLGWM) và Bank of America Private Bank.
Merrill Wealth Management (MLGWM)
MLGWM tập trung vào các khách hàng có tổng tài sản trên 250,000 đô la, cung cấp các giải pháp được cá nhân hóa trong các sản phẩm quản lý đầu tư, môi giới, ngân hàng và hưu trí.
Tuy được biết đến như một trong 4 ngân hàng bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, BofA cũng luôn nằm trong top những tổ chức tài chính có giá trị tài sản quản lý cao nhất nhờ vào thương vụ thâu tóm Merrill Lynch năm 2008.
Merrill Lynch Wealth Management chia làm 2 nhánh nhỏ:
Wealth Management: Tư vấn và môi giới đầu tư đại trà
Private Wealth Management: Dành cho khách hàng có tài sản lớn hơn 10 triệu đô
Bank of America Private Bank
Bank of America Private Bank, cung cấp các giải pháp quản lý tài sản toàn diện, bao gồm dịch vụ ngân hàng tư nhân, quản lý đầu tư và quản lý tài sản đặc biệt, cho các khách hàng có giá trị tài sản ròng cao và siêu cao.
Bank of America Private Bank đứng thứ 6 trong danh sách các ngân hàng tư nhân có giá trị tài sản quản lý lớn nhất trên toàn cầu.
3. Ngân hàng toàn cầu (chiếm 23% tổng doanh thu và 34% thu nhập ròng năm 2023)
Mảng Ngân hàng Toàn cầu bao gồm 4 bộ phận, mỗi bộ phận làm việc với một đối tượng khách hàng khác nhau:
Global Corporate Banking
Global Commercial Banking
Business Banking
Global Investment Banking
BofA cung cấp các sản phẩm cho vay, quản lý vốn lưu động, giải pháp nguồn vốn và dịch vụ tư vấn cho các khách hàng của mình trên toàn cầu. Đây là mảng kinh doanh lớn thứ 2 nhưng có mức tỷ suất lợi nhuận và phát triển mạnh nhất của BofA với mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình đạt 17.6% trong 10 năm vừa qua.
BofA Securities cũng thắng giải Best Equity Bank và Best Debt Bank của tạp chí Global Finance năm nay.
4. Thị trường toàn cầu (chiếm 18% tổng doanh thu và 15% thu nhập ròng năm 2023)
Phân khúc thị trường toàn cầu của Bank of America cung cấp các dịch vụ giao dịch, bao gồm cả nghiên cứu, cho các khách hàng tổ chức.
Sản phẩm của thị trường toàn cầu bao gồm trái phiếu, tín dụng, tiền tệ, hàng hóa và cổ phiếu.
Phân khúc này cung cấp các dịch vụ tạo lập thị trường, cấp vốn, thanh toán bù trừ chứng khoán, thanh toán, quản lý rủi ro và lưu ký cho nhiều khách hàng là các tổ chức.
Ngoài ra, nhiều khách hàng bắt đầu với phân khúc ngân hàng toàn cầu và kết thúc trong phân khúc thị trường toàn cầu. Do đó, hai phân khúc này hỗ trợ nhau rất nhiều.
Cơ cấu cổ đông
Bank Of America hiện có 72% cổ phiếu thuộc quyền sở hữu của các tổ chức. Cổ đông lớn nhất cầm tới 13% BofA là Berkshire Hathaway của Warren Buffet.
Ban lãnh đạo
Ban lãnh đạo của Bank of America có nhiều kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, với nhiệm kỳ trung bình là 8.6 năm. Đặc biệt, nhà đầu tư không thể không kể tới CEO của Bank of America - Brian Moynihan, vị thuyền trưởng xoay chuyển BofA từ bờ vực.
Nhận xét về Moynihan, Warren Buffet đã nói ông là người có bản lĩnh và khả năng phán đoán hợp lý để tránh những “điều ngớ ngẩn” – như chấp nhận rủi ro quá mức.
Cập nhật kết quả kinh doanh Q2/2024
1. Báo cáo kết quả kinh doanh
BofA báo cáo kết quả kinh doanh Q2/2024 trái chiều, khi vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích về thu nhập và doanh thu, nhưng thu nhập ròng của công ty lại giảm so với cùng kỳ năm ngoái do thu nhập lãi thuần giảm
Doanh thu +1% Y/Y lên 25.4 tỷ USD (cao hơn dự kiến 0.2 tỷ USD)
Ngân hàng tiêu dùng: 10.2 tỷ USD (-3% Y/Y)
Quản lý đầu tư và tài sản: 5.6 tỷ USD (+6% Y/Y)
Ngân hàng toàn cầu: 6 tỷ USD (-6% Y/Y)
Thị trường toàn cầu: 5.5 tỷ USD (+12% Y/Y)
Thu nhập lãi thuần (net interest income): 13.7 tỷ USD (-3% Y/Y)
Thu nhập ngoài lãi: 11.7 tỷ USD (+6% Y/Y)
Thu nhập ròng: 6.9 tỷ USD (-3% Y/Y)
Non-GAAP EPS: 0.83 USD (cao hơn dự kiến 0.03 USD)
Nhận xét về kết quả kinh doanh Q2/2024 của Bank of America:
Điểm sáng
Vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích về thu nhập và doanh thu.
Hoạt động ngân hàng đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ +29% Y/Y nhờ sự phục hồi của hoạt động bảo lãnh phát hành và giá trị các thương vụ thực hiện tăng
Doanh thu từ giao dịch tăng, đặc biệt là trong mảng giao dịch chứng khoán.
Trong đợt ER vừa qua, BofA là ngân hàng duy nhất công bố không có ngày giao dịch lỗ nào trong nửa đầu 2024
Điểm xấu
Thu nhập ròng giảm so với cùng kỳ năm ngoái do thu nhập lãi thuần giảm.
Thu nhập lãi thuần giảm 3% Y/Y, phản ánh tác động của lãi suất cao hơn đối với chi phí tiền gửi và sự cạnh tranh ngày càng tăng trong việc thu hút khách hàng gửi tiền.
Kết quả quý 2 của BofA cho thấy các xu hướng khác nhau. Trong khi thu nhập lãi thuần tiếp tục chịu áp lực, kết quả mạnh mẽ của mảng ngân hàng đầu tư và giao dịch chứng tỏ khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội thị trường.
2. Bảng cân đối kế toán
BofA duy trì bảng cân đối kế toán vững mạnh với lượng tiền gửi lớn:
Tiền gửi tăng 35 tỷ USD lên 1.91 nghìn tỷ USD, tương đương +2% Y/Y
Các khoản cho vay và cho thuê ở mức 1.05 nghìn tỷ USD, tăng khiêm tốn so với quý 2 năm 2023
Vốn chủ sở hữu cốt lõi Tier 1 (Common Equity Tier 1 capital): đạt 198 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với quý 1 năm 2024.
Chi trả 5.4 tỷ USD cho cổ đông:
Chi trả 1.9 tỷ USD cổ tức thường niên.
Tăng cổ tức thường niên theo quý thêm 8% bắt đầu từ quý 3 năm 2024
Mua lại 3.5 tỷ USD cổ phiếu phổ thông
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu cốt lõi Tier 1: đạt 11.9%, +6 bps so với Q1/2024; cao hơn 122 bps so với mức tối thiểu theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 10/01/2024
3. Rủi ro tài sản
Cho vay thẻ tín dụng
Giống như JPM, BofA tăng dự phòng rủi ro tín dụng, báo hiệu cách tiếp cận thận trọng đối với việc cho vay tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế bất ổn.
Net charge-offs tăng 35 triệu USD lên 1.533 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức dự kiến là 1.45 tỷ USD và là mức cao nhất trong nhiều năm, chủ yếu từ thẻ tín dụng.
BofA charge-off 1.1 tỷ USD từ tín dụng tiêu dùng trong Q2/2024, tăng 31 triệu USD do tỷ lệ thất thoát từ thẻ tín dụng tăng.
Tỷ lệ thất thoát nợ thẻ tín dụng – cho biết mức độ rủi ro người vay không trả được nợ thẻ tín dụng, tăng lên 3.88% trong Q2, từ mức 3.62% trong Q1.
Dự phòng tín dụng dự kiến của ngân hàng cũng tăng 189 triệu USD lên 1.5 tỷ USD.
Khoản dự phòng được giải phóng chỉ là 25 triệu USD trong quý 2/2024 so với 179 triệu USD trong quý 1/2024.
Con số này dự kiến sẽ tăng vọt khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái và mọi người bắt chước JPM, ngân hàng chứng kiến mức dự phòng tăng đột biến trong quý 2.
Tỷ lệ quá hạn nợ giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức cao:
Cho vay bất động sản thương mại
Charge-off mảng thương mại là 474 triệu USD, không thay đổi nhiều so với năm ngoái
Nợ xấu (nonperforming loans) đạt 2.8 tỷ USD, giảm 0.4 tỷ USD so với quý 1 năm 2024
Tỷ trọng của CRE trên tổng dư nợ vay giảm đáng kể (từ 21.2% năm 2009 xuống 11.7% trong quý 2/2024)
Loại hình vay CRE lớn nhất vẫn là phân khúc văn phòng đang gặp nhiều khó khăn, với tổng giá trị lên tới 16.3 tỷ USD (chủ yếu tập trung ở các bất động sản vùng Đông Bắc và California).
Ngân hàng dự báo 4.8 tỷ USD tiền vay văn phòng đáo hạn trong nửa cuối năm 2024 và thêm 8 tỷ USD nữa vào năm 2025 và 2026.
Liệu BofA có thu hồi được khoản vay này hay không?
Các khoản lỗ Trái phiếu
Bank of America đang chịu khoản lỗ chưa thực hiện 106 tỷ USD, chỉ tăng 9 tỷ so với Q1 nhờ sự bình ổn của lợi tức trong Q2
BofA là ngân hàng có lỗ trái phiếu lớn nhất trong tất cả các ngân hàng Mỹ
Tổng lỗ trái phiếu của toàn ngành hiện nay là đã lên tới 650 tỷ USD
Kết luận
Trong môi trường lãi suất cao như hiện nay, $BAC được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ vị thế sẵn có và những cải tiến công nghệ trong mảng ngân hàng tiêu dùng với thị phần tiền gửi cá nhân lớn nhất nước Mỹ và tiếp tục củng cố chất lượng các danh mục cho vay. Sau cuộc khủng hoảng của ngân hàng vừa qua, người dân và doanh nghiệp có xu hướng tập trung vào các ngân hàng có sự hỗ trợ của Federal Reserve, giúp cho Bank of America trở thành nơi thu hút dòng tiền sau nhiều năm tăng trưởng số dư tiền gửi và cho vay ảm đạm.
Tuy nhiên, mặc dù không có khả năng sụp đổ do được FED đánh giá là “Too Big To Fail” và Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) xét vào dạng GSIB (Global Systemic Important Banks - Ngân Hàng Quan Trọng Trong Hệ Thống), $BAC là ngân hàng lớn đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng nợ, bất động sản và trái phiếu hiện nay.
Đứng từ góc độ đầu tư, $BAC vẫn yếu hơn $JPM ở nhiều mặt, nhưng có tiềm năng lớn nếu như ban lãnh đạo có thể chèo lái qua giai đoạn khó khăn trước mắt và tiếp tục phát huy thành công của mảng đầu tư như trong nửa đầu của năm nay.