Trong khi thị trường tập trung nhiều vào việc Trung Quốc gia tăng dự trữ vàng, một yếu tố quan trọng khác đang dần lộ diện: Trung Quốc cũng đang âm thầm gom bạc ở quy mô lớn và có chiến lược lâu dài với kim loại này.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã không chỉ xây dựng kho dự trữ vàng khổng lồ mà còn tích cực thu mua bạc vật chất mua trực tiếp từ các công ty khai thác và “hút sạch” lượng bạc trôi nổi ngoài thị trường. Đây là một phần trong chiến lược tài chính dài hạn nhằm củng cố vị thế tiền tệ và an ninh tài chính quốc gia trong bối cảnh trật tự tiền tệ toàn cầu đang thay đổi.
Điều thú vị là bạc vốn được xem là kim loại công nghiệp, nhưng với Trung Quốc, bạc có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Trong khi phương Tây từ bỏ chế độ bản vị bạc từ năm 1873 thì Trung Quốc vẫn duy trì bản vị bạc đến tận năm 1935, vì thế ký ức về bạc vẫn còn bám rễ trong tâm thức kinh tế – chính trị của nước này. Khi nhìn vào tỷ lệ giá vàng/bạc, giới hoạch định Trung Quốc có thể dễ dàng nhận thấy bạc đang bị định giá thấp so với vàng – và tận dụng cơ hội để gom bạc ở quy mô lớn.
Alistair Macleod, chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực kim loại quý, nhận định rằng đây là một chiến lược dài hạn có tính cấu trúc – phản ánh thực tế là Hoa Kỳ đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc tài trợ cho thâm hụt ngân sách ngày. Nhu cầu với trái phiếu dài hạn đang suy yếu rõ rệt, khiến lợi suất kỳ hạn 30 năm tăng mạnh. Kể từ khi Mỹ đánh mất xếp hạng tín nhiệm, vị thế trung tâm của USD trong hệ thống tiền tệ toàn cầu bắt đầu rạn nứt. Cùng lúc đó, vàng ngày càng nổi lên như tài sản trú ẩn thực sự, trong khi trái phiếu Kho bạc và USD đều trở nên kém hấp dẫn
Số liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy hơn 90% ngân hàng trung ương được khảo sát có kế hoạch tiếp tục tăng dự trữ vàng – dấu hiệu rõ ràng cho thấy niềm tin vào đồng USD đang giảm sút.
Ở chiều ngược lại, bạc lại cho thấy dấu hiệu bị kìm giá một cách có chủ đích. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã thực hiện song song việc mua bạc vật chất trực tiếp từ các công ty khai thác và đồng thời bán hợp đồng tương lai để ghìm giá. Cần nhấn mạnh rằng Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia khai thác bạc lớn nhất thế giới, giúp nước này vừa có nguồn cung nội địa vừa kiểm soát được đầu ra từ quốc tế, tạo ra thế chủ động lớn trên thị trường.
Hiện tại, chiến lược của Trung Quốc không còn dừng ở việc gom hàng. Bắc Kinh đang xúc tiến một hệ thống thương mại mới tại châu Á – dựa trên vàng và thanh toán bằng Nhân dân tệ, nhằm giảm thiểu vai trò của đồng USD trong thương mại quốc tế. Việc xây dựng các kho lưu trữ vàng tại Ả Rập Xê Út và Hồng Kông là động thái rõ ràng cho thấy Trung Quốc muốn hình thành một hệ sinh thái tài chính độc lập, nơi các quốc gia có thể giao dịch mà không cần dựa vào USD.
Tác động của chiến lược này không chỉ dừng lại ở thị trường tài chính – nó sẽ thúc đẩy mạnh mẽ giá của vàng và bạc trong dài hạn, khi ngày càng nhiều quốc gia muốn dự trữ tài sản thực thay vì các đồng tiền pháp định dựa trên nợ. Đối với nhà đầu tư, điều quan trọng là cần hiểu rằng đây không phải là những biến động ngắn hạn mà là những nước đi chiến lược dài hạn của Trung Quốc, nhằm củng cố sức mạnh tài chính và địa chính trị trong một thế giới đang phân cực nhanh chóng.