Giá đồng đã tăng khoảng 10% từ đầu năm 2025 bất chấp nhiều biến động, chủ yếu do lo ngại về thuế quan từ Mỹ và sự phục hồi kinh tế thiếu chắc chắn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, động lực tăng hiện tại đang phải đối mặt với nhiều lực cản mới, khi thị trường xuất hiện dấu hiệu phân hóa rõ rệt giữa cung – cầu toàn cầu và nội địa Trung Quốc.


Đồng là kim loại có hiệu suất tăng tốt nhất từ đầu năm đến nay

Tín hiệu suy yếu từ thị trường Trung Quốc

Tại Trung Quốc, tồn kho đồng trên sàn SHFE đã bật tăng trở lại lên trên 100.000 tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ 2022 trong tháng trước. 

Các nhà máy luyện đồng trong nước đang lên kế hoạch xuất khẩu để tận dụng giá cao trên thị trường quốc tế, trong bối cảnh nhu cầu nội địa đang yếu đi. Sản lượng đồng tinh luyện của Trung Quốc được dự báo tăng 10% trong nửa đầu năm nay và gần 5% cho cả năm – mức cao kỷ lục theo SMM.


Một chỉ số quan trọng khác, đó là chỉ số đồng Yangsan, đã giảm mạnh từ hơn $100/tấn xuống còn $38/tấn, cho thấy nhu cầu nhập khẩu đồng của Trung Quốc đang suy yếu nhanh chóng.


Chỉ số đồng Yangsan giảm mạnh, cho thấy nhu cầu nhập khẩu tại Trung Quốc suy yếu

Nhập khẩu kim loại của Trung Quốc suy yếu rõ rệt vào tháng 5 trước các tác động của thuế quan đối với nền kinh tế. Nhập khẩu đồng thô đã giảm 2,9%, trong khi quặng đồng giảm 18% so với mức kỷ lục của tháng 4. Thuế quan đang gây tác động tiêu cực đối với nhu cầu đồng và các kim loại công nghiệp khác trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.


Thị trường Mỹ: động lực tăng trưởng trong ngắn hạn

Tình trạng rút hàng ồ ạt khỏi hệ thống kho LME do lo ngại Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu đồng đang khiến thị trường quốc tế rơi vào trạng thái thắt nguồn cung nghiêm trọng trong ngắn hạn. 

Tồn kho LME đã giảm 78% kể từ đầu năm, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023. Ngược lại, tồn kho tại Comex (Mỹ) lại tăng vọt, đạt mức cao nhất kể từ 2018. Điều này đã đẩy chênh lệch giữa giá đồng giao ngay giá tương lai 3 tháng liên tục tăng cao, cho thấy nhu cầu giao ngay đang vượt xa lượng cung sẵn có.



Tuy nhiên, nếu Mỹ chính thức áp thuế nhập khẩu đồng, dòng chảy hàng hóa vào Mỹ sẽ tạm ngưng, nhu cầu tích trữ có thể giảm mạnh và giá đồng quốc tế sẽ chịu áp lực điều chỉnh. Đồng thời, việc Trung Quốc tăng xuất khẩu đồng có thể phần nào bù đắp cho lượng hàng thiếu hụt trên thị trường toàn cầu trong thời gian tới.

Tóm lại, giá đồng dự kiến vẫn tiếp tục được hỗ trợ bởi tình trạng khan hiếm nguồn cung tại LME. Tuy nhiên, các yếu tố như thuế quan từ Mỹ, nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc, và sự đảo chiều của dòng chảy thương mại đang tạo ra những rủi ro lớn cho xu hướng giá trong thời gian tới. Nhà đầu tư cần theo sát diễn biến chính sách và xu hướng tồn kho toàn cầu để đánh giá sức mạnh thực sự của đà tăng hiện tại.