Thị trường tài chính toàn cầu đang bước vào một chu kỳ dịch chuyển khi các nhà đầu tư lớn rút khỏi tài sản tài chính truyền thống và đổ mạnh vào tài sản hữu hình như vàng, bạc, đồng và đất hiếm. Đây không chỉ là câu chuyện giá cả tăng theo chu kỳ, mà là sự tái định hình toàn diện về chiến lược phân bổ vốn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và sự suy yếu của các đồng tiền pháp định.

Trong khi Phố Wall liên tục lập đỉnh nhờ các cổ phiếu công nghệ, nền kinh tế thực lại đang phát đi nhiều tín hiệu cảnh báo: lạm phát bào mòn sức mua, nợ tư nhân và chính phủ ở mức kỷ lục, lãi suất cao, tăng trưởng GDP thấp và thị trường lao động suy yếu. Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì chính sách tiền tệ không đồng bộ với thực tế, khiến cho giá tài sản tài chính không còn phản ánh đúng nền tảng kinh tế.


Đạo luật “Big Beautiful Bill” của Trump dự kiến sẽ khiến nợ công của Mỹ tăng vọt và hỗ trợ cho giá vàng

Trong bối cảnh đó, vàng nổi lên không chỉ như một nơi trú ẩn giá trị, mà còn đang trở thành trụ cột mới trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. Các ngân hàng trung ương, đặc biệt là tại châu Á, tiếp tục tăng dự trữ vàng bất chấp giá cao, cho thấy họ xem vàng như một công cụ nhằm neo giữ giá trị đồng tiền chứ không đơn thuần là tài sản phòng thủ. 

Trung Quốc thậm chí còn khuyến khích cả ngân hàng nhà nước và cá nhân mua vàng, tạo nên một lực cầu ổn định và phi đầu cơ. Xu hướng này lan rộng trong bối cảnh các nước BRICS và đồng minh tăng cường sử dụng hệ thống thanh toán riêng, không phụ thuộc vào USD hay SWIFT, để bảo vệ thương mại và chủ quyền tài chính quốc gia.


Trung Quốc đã tăng mua vàng trở lại vào tháng 5 bất chấp giá cao

Không dừng lại ở vàng, những kim loại công nghiệp như đồng cũng đang được định giá lại. Việc Mỹ đưa đồng vào danh sách điều tra an ninh quốc gia theo Đạo luật 232 – cùng lúc tồn kho đồng trên sàn LME giảm mạnh và chính sách thuế nhập khẩu tăng 50% – tạo ra cú hích kép khiến giá đồng tăng vọt. 


Tồn kho đồng trên COMEX tăng mạnh do làn sóng chuyển hàng sang từ LME và SHFE. Tổng tồn kho 3 sàn giảm cho thấy nguồn cung đồng thắt chặt

Dòng tiền đang cho thấy điều đó rõ ràng. Hơn 330 tỷ USD đã rút khỏi thị trường trái phiếu, trong khi 230 tỷ USD đổ vào hàng hóa. Đây là bước chuyển cấu trúc, không phải nhất thời. Các quỹ đầu tư, ngân hàng lớn và nhà đầu tư tổ chức đều tăng cường tỷ trọng vào tài sản thật – từ kim loại quý đến khoáng sản chiến lược. Quan trọng hơn, chính sách toàn cầu đang xoay trục rõ rệt sang hỗ trợ khai khoáng, hạ tầng điện và năng lượng hạt nhân.

Với triển vọng đó, chiến lược hợp lý lúc này là xác định đúng loại tài sản, quốc gia sở hữu và hệ thống hỗ trợ chính sách đứng sau tài sản đó. 

Khi nền kinh tế toàn cầu trượt dần rơi vào trạng thái đình lạm – tăng trưởng chậm, lạm phát cao và lãi suất duy trì ở mức đắt đỏ – tài sản hữu hình không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là động lực tăng trưởng thật sự. Cuộc trỗi dậy của tài sản thật không chỉ là xu hướng mà còn là một cuộc dịch chuyển mang tính bền vững, nơi giá trị không nằm ở con số trên bảng điện tử mà ở chính những gì có thể khai thác, tích trữ và sử dụng trong đời thực.