Thị trường bạc đang chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ khi kim loại này đã tăng từ vùng 24 USD/ounce hồi đầu năm lên gần 37 USD – mức cao chưa từng thấy trong 15 năm qua.
Đáng chú ý, mỗi lần giá điều chỉnh về quanh 35,5 USD đều được lực mua hấp thụ mạnh, cho thấy nhu cầu thực sự đang dẫn dắt đà tăng, chứ không đơn thuần là đầu cơ ngắn hạn. Song hành cùng giá, dòng vốn đổ vào các quỹ ETF bạc đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2022, phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn từ giới đầu tư tổ chức toàn cầu.
Các quỹ ETF bạc đã ghi nhận dòng tiền đổ vào mạnh mẽ, với tổng lượng bạc tăng thêm 1.972 tấn từ đầu năm đến nay
Yếu tố cốt lõi thúc đẩy giá bạc chính là sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu. Thị trường đang bước vào năm thứ 5 liên tiếp thâm hụt nguồn cung bạc vật chất.
Nhu cầu sử dụng bạc tiếp tục tăng không ngừng – đặc biệt từ các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, năng lượng tái tạo và tiêu dùng điện tử. Bạc là vật liệu không thể thay thế trong sản xuất pin mặt trời, xe điện, thiết bị gia dụng thông minh và linh kiện công nghệ. Quá trình điện khí hóa toàn cầu và nhu cầu hiện đại hóa hệ thống năng lượng đang đẩy cầu bạc lên mức chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua.
Thị trường bạc đã thâm hụt trong 4 năm liên tiếp và dự kiến tiếp tục thâm hụt trong năm 2025
Nhu cầu bạc trong lĩnh vực công nghiệp dự kiến giảm nhẹ so với 2024 nhưng vẫn ở mức cao kỷ lục
Trong khi nhu cầu tăng mạnh, nguồn cung bạc lại không theo kịp. Các dự án mỏ mới có quy mô đủ lớn hiện rất hiếm, còn những mỏ đang phát triển chủ yếu có hàm lượng thấp, yêu cầu chi phí đầu tư lớn và thời gian triển khai kéo dài. Điều này tạo ra áp lực nguồn cung trong trung và dài hạn, khiến giá bạc có khả năng tiếp tục được hỗ trợ mạnh mẽ.
Nguồn cung khai thác bạc dự kiến tăng nhẹ năm 2025 nhưng xu hướng chung vẫn là đi ngang
Thêm vào đó, bạc đang trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn cho vàng trong danh mục đầu tư của cá nhân lẫn tổ chức. Khi giá vàng tiệm cận các mốc cao lịch sử, nhiều nhà đầu tư tìm đến bạc như một "vàng thứ hai" – có tính chất bảo toàn giá trị, nhưng còn nhiều dư địa tăng giá. Tính thanh khoản tốt, độ biến động lớn và vai trò trong chuyển đổi năng lượng khiến bạc trở thành tài sản chiến lược trong xu hướng dịch chuyển sang đầu tư tài sản hữu hình.
Tỷ lệ vàng/bạc ở mức 90:1 và dự kiến giảm về mức trung bình 10 năm là 80:1. Giá bạc dự kiến sẽ tăng vượt trội hơn so với vàng
Trong làn sóng tái cấu trúc danh mục đầu tư toàn cầu, bạc đang nổi lên không chỉ là kim loại công nghiệp, mà còn là tài sản mang tính chiến lược dài hạn. Với các yếu tố vĩ mô hỗ trợ như lãi suất thực âm, chính sách tiền tệ nới lỏng và xu hướng phi đô la hóa, giá bạc hoàn toàn có thể vượt mốc 40 USD/ounce trong năm 2025 và tiếp tục mở rộng đà tăng trong các năm tới.
Bạc đang tích lũy trong mô hình nêm với xu hướng trung dài hạn là tăng. Giá có thể đạt mức 40 USD sau khi bứt phá