Lượng dầu tích lũy trong đại dịch Covid-19 đã gần cạn kiệt

Lượng hàng tồn kho chưa từng có đã tích lũy trong suốt đại dịch Covid-19 đã được tiêu thụ gần hết, qua đó càng củng cố thêm cho đà phục hồi giá dầu, giúp giải cứu các nhà sản xuất, nhưng lại gây tốn kém thêm cho người tiêu dùng.

Tính đến tháng 2/2021, lượng dầu dư thừa tích trữ ở các kho chứa dầu tại các các nền kinh tế phát triển trong thời kỳ ban đầu của đại dịch Covid-19 chỉ còn lại 20%, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Tuy nhiên, lượng dầu còn lại đó cũng nhanh chóng được tiêu thụ khi nguồn cung tích trữ ở các tàu chở dầu trên biển lao dốc và một kho cảng dầu lớn ở Nam Phi cũng đang cạn kiệt.

Tình trạng tái cân bằng trên thị trường dầu diễn ra khi OPEC và các đồng minh cắt giảm sản lượng và đà hồi phục kinh tế thúc đẩy nhu cầu sử dụng dầu trên toàn cầu. Giá dầu Brent đã tăng lên gần 67 USD/thùng, một cú huých cho các nhà sản xuất, nhưng lại là một nỗi lo cho người dân. Trong khi đó, các chính phủ lại cảm thấy lo ngại về lạm phát.

“Tồn kho dầu thương mại ở các nước thuộc OECD đã giảm xuống mức trung bình 5 năm. Phần còn lại chủ yếu tập trung ở Trung Quốc – vốn đang vun đắp lượng dự trữ dầu khí lâu dài”, Ed Morse, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại Citigroup, cho biết.

Tuy nhiên, quá trình tái cân bằng vẫn chưa hoàn tất. Một lượng dầu dư thừa đáng kể dường như vẫn còn nằm trên các tàu chở dầu ở ngoài khơi tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. Dù vậy, số dầu này có thể được tích lũy để cung cấp cho các nhà máy lọc dầu mới ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit.

Việc tiêu thụ lượng dầu dư thừa còn lại trên toàn cầu có thể cần thêm thời gian vì nhóm OPEC+ quyết định tăng sản lượng trở lại và cơn bùng phát dịch Covid-19 mới ở Ấn Độ và Brazil giáng đòn nặng nề đến nhu cầu dầu.

Dù vậy, ít nhất thì chúng ta đã thấy điểm cuối cùng của tình trạng dư cung toàn cầu.

Tính tới tháng 2/2021, lượng dầu tồn kho ở các nền kinh tế phát triển chỉ cao hơn 57 triệu thùng so với mức tồn kho trung bình trong giai đoạn 2015-2019, thấp hơn mức đỉnh điểm 249 triệu thùng vào tháng 7/2020, theo ước tính của IEA.

Đây là cú xoay chuyển tình thế ngoạn mục một năm về trước, khi các lệnh phong tỏa khiến nhu cầu nhiên liệu của thế giới giảm 20% và ông lớn giao dịch hàng hóa Gunvor Group lo ngại rằng công suất lưu trữ dầu của thế giới sẽ sớm cạn kiệt.