Kết thúc phiên giao dịch 19/5 giá dầu giảm hơn 2 USD do số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt ở Châu Á, cùng với suy đoán Fed có thể tăng lãi suất khiến các nhà đầu từ rời xa các hàng hóa rủi ro làm hầu hết các mặt hàng giảm giá trong khi vàng tăng.

Dầu giảm hơn 2 USD

Giá dầu giảm hơn 2 USD/thùng xuống mức thấp nhất trong 3 tuần, do lo lắng rằng số ca nhiễm virus corona tăng vọt ở Châu Á sẽ làm giảm nhu cầu dầu thô và lo sợ lạm phát của Mỹ có thể thúc đẩy Cục dự trữ Liên bang tăng lãi suất làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.

Các thương nhân cũng trích dẫn tin đồn các cuộc đàm phán hạt nhân của Iran đang đạt được tiến triển có thể làm tăng nguồn cung dầu thô toàn cầu và làm giảm giá.

Chốt phiên 19/5 dầu thô Brent giảm 2,05 USD hay 3% xuống 66,66 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 2,13 USD hay 3,3% xuống 63,36 USD/thùng. Trong phiên có lúc giá dầu WTI đã giảm hơn 5%. Đây là mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 27/4 đối với cả hai loại dầu.

Trong ngày 18/5 dầu thô Brent đã tăng lên mức cao nhất 10 tuần trên 70 USD/thùng do lạc quan về nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng khi Mỹ và các nền kinh tế Châu Âu mở cửa lại. Giá đã giảm do lo sợ nhu cầu nhiên liệu tại Châu Á chậm lại khi nơi này số ca nhiễm Covid-19 đang tăng.

Bức tranh nhu cầu dầu toàn cầu có lẽ bị chia rẽ nhiều nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, với nhu cầu đang cải thiện tại phương Tây so với triển vọng xấu đi tại Châu Á.

Các nhà phân tích cho biết Iran có thể cung cấp thêm 1 tới 2 triệu thùng dầu mỗi ngày nếu thỏa thuận được ký kết.

Suy đoán Fed có thể nâng lãi suất gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy các nhà đầu tư rời xa dầu và các hàng hóa khác, bitcoin, các loại tiền điện tử khác và cổ phiếu.

Trong khi đó USD tăng so với rổ tiền tệ sau khi gần mức thấp nhất kể từ tháng 1. Đồng USD mạnh lên gây sức ép lên giá dầu khiến hàng hóa này đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.

Giá dầu giảm bất chấp số liệu của Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô tăng 1,3 triệu thùng, ít hơn dự kiến, tồn kho xăng giảm 2 triệu thùng nhiều hơn so với dự kiến và lượng xăng sử dụng tăng 5% lên mức trước đại dịch.

Nhu cầu xăng của Mỹ tăng lên 9,2 triệu thùng/ngày trong tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Vàng tăng do chứng khoán giảm

Giá vàng đã tăng khoảng 1,2% lên trên mức cao nhất trong 4 tháng do các thị trường chứng khoán toàn cầu suy yếu và lo ngại lạm phát thúc đẩy sự hấp dẫn trú ẩn an toàn của vàng.

Vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.880,24 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 8/1 tại 1.889,75 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa tăng 0,7% lên 1.881,5 USD/ounce.

Giá vàng đã tăng hơn 200 USD hay 12% kể từ khi giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng vào đầu tháng 3, đà tăng được thúc đẩy bởi USD giảm và dự đoán lạm phát tăng.

Vàng cũng được hưởng lợi từ sự sụt giảm của đồng bitcoin, khi việc bán đồng tiền kỹ thuật số tăng lên sau lệnh cấm của Trung Quốc.

Đồng giảm

Giá đồng giảm do lạm phát ngày càng tăng thúc đẩy các nhà đầu tư rơi vào tâm lý rủi ro cao, lấn át những ảnh hưởng của khả năng gián đoạn nguồn cung tại khu vực sản xuất đồng hàng đầu thế giới.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 3,2% xuống 10.077 USD/tấn.

Kim loại này theo xu hướng ngày giảm lớn nhất kể từ tháng 2. Trong tuần trước giá đồng đã đạt mức cao kỷ lục 10.747,5 USD/tấn và đã tăng 32% kể từ đầu năm tới nay.

Động lực cung và cầu của kim loại này là khá tích cực so với các kim loại khác, khiến đồng ít bị tổn thương trước sự điều chỉnh giá sâu rộng từ mức cao kỷ lục.

Thông tin Trung Quốc dự định tăng cường quản lý cả phía cung và cầu để kiềm chế sự gia tăng bất hợp lý giá hàng hóa và ngăn chặn sự chuyển dịch đó sang người tiêu dùng cũng đã kéo giá các kim loại giảm.

Ngân hàng Citi dự kiến giá đồng giao dịch trên 12.000 USD/tấn trong 3 đến 4 tháng tới, trong bối cảnh chu kỳ tăng giá hàng hóa mới được thúc đẩy bởi dự đoán của ngân hàng này về lợi nhuận của các nhà sản xuất cao trong 5 năm tới.

Đồng giao ngay trên sàn LME thấp hơn so với hợp đồng giao sau 3 tháng lên tới 28,75 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 6/2020, trong tháng trước đồng giao ngay cao hơn 30 USD/tấn.

Thép giảm do lo lắng về hạn chế nguồn cung dịu đi

Giá thép cuộn cán nóng và thép thanh của Trung Quốc giảm hơn 5% do lo ngại việc cắt giảm sản lượng thép dịu đi và hoạt động xây dựng dự kiến chậm lại trong mùa mưa tới.

Thép cuộn cán nóng tại Thượng Hải, dùng trong lĩnh vực sản xuất, đóng cửa giảm 5,2% xuống 5.678 CNY/tấn, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 30/4. Thép thanh kỳ hạn tháng 10 giảm 5,6% xuống 5.309 CNY/tấn.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, số công trình xây dựng mới của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đã tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, trong quý 1 tăng 28,2%.

Giá các thành phần sản xuất thép khác trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên cũng giảm. Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 3,3% xuống 1.193 CNY/tấn.

Thép không gỉ tại Thượng Hải kỳ hạn tháng 7 tăng 0,8% lên 15.565 CNY/tấn.

Cao su Nhật Bản giảm

Giá cao su Nhật Bản giảm do chứng khoán toàn cầu và giá dầu suy yếu và do lo sợ rằng số ca nhiễm virus corona đang tăng tại Châu Á và lãi suất của Mỹ đang tăng có thể làm chậm đà phục hồi kinh tế.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 2,4 JPY hay 1% xuống 245,4 JPY (2,3 USD)/kg.

Cao su kỳ hạn tháng 9 tại sàn giao dịch Thượng Hải giảm 60 CNY xuống 13.290 CNY (2.065 USD)/tấn.

Lúa mì, đậu tương giảm, ngô ổn định

Đậu tường và lúa mì của Mỹ giảm hơn 2% , với các các quỹ đầu tư đang bán ra khi hợp đồng hàng hóa sụt giảm.

Hợp đồng ngô đóng cửa không đổi, ổn định sau khi giao dịch trong vùng tiêu cực trong phần lớn phiên này.

Lúa mì mềm đỏ vụ đông giao tháng 5 đóng cửa giảm 18-3/4 US cent xuống 6,79-1/4 USD/bushel, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 21/4.

Ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 ổn định tại 6,58-1/4 USD/bushel. Đậu tương cùng kỳ hạn giảm 36 US cent xuống 15,38-1/4 USD/bushel.

Đường giảm

Đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,26 US cent hay 1,5% xuống 16,95 US cent/lb.

Các đại lý cho biết thị trường này vẫn được củng cố bởi thời tiết bất lợi và diện tích trồng giảm tại Brazil, nơi một số nông dân đã chuyển sang trồng ngô và đậu tương.

Chính phủ Brazil dự kiến sản lượng đường từ khu vực trung nam sẽ giảm 6,4% so với vụ trước xuống 35,8 triệu tấn, cho biết lượng mưa không đủ ảnh hưởng tới sự phát triển của cây mía.

Công ty tư vấn Datagro cũng cho biết các nhà máy đường và ethanol của Brazil có thể tạm thời giảm sản xuất đường để tăng sản lượng ethanol và giải quyết nhu cầu đang tăng với giá nhiên liệu này cao trong nước.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 4,2 USD hay 0,9% xuống 453,5 USD/tấn.

Cà phê giảm

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 1,85 US cent hay 1,2% xuống 1,5095 USD/lb.

Các đại lý cho biết thị trường đang theo dõi tình trạng tại Colombai nơi các cuộc biểu tình chống chính phủ làm gián đoạn xuất khẩu cà phê.

Sản lượng cà phê arabica giảm tại Brazil trong năm nay cũng tiếp tục là yếu tố hỗ trợ với các nguồn cung cấp toàn cẩu dự kiến khan hiếm trong vài tháng tới.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 giảm 13 USD hay 0,9% xuống 1.502 USD/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 20/5

Thị trường ngày 20/5: Giá thép, đồng, dầu thô giảm mạnh, các hàng hoá khác cũng đi xuống, ngoại trừ vàng - Ảnh 1.