Giá khí đốt Châu Á tăng gần gấp đôi chỉ sau 3 tháng do nguồn cung trên toàn cầu gián đoạn

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường thế giới tuần này tăng do nguồn cung toàn cầu lại trở nên khan hiếm.

Giá LNG nhập khẩu về Đông Bắc Á kỳ hạn giao tháng 6/2021 tuần này lên tới trung bình 10,15 USD/mmBtu (1 mmBtu = 28,263682 m3), tăng 0,5 USD so với cách đây một tuần; kỳ hạn giao tháng 7 lên 10,25 USD/mmBtu, gần gấp đôi so với mức 5,6 USD hồi tháng 2/2021.

Các nguồn tin trong ngành cho biết, những vấn đề xuất khẩu ở Australia, Peru, Indonesia, Malaysia và Nigeria đã góp phần khiến nguồn cung trên toàn cầu trở nên eo hẹp đúng vào thời điểm Nhật Bản và Hàn Quốc, trong số những khách hàng lớn nhất thế giới, đang cần rất nhiều LNG để sản xuất điện đáp ứng nhu cầu trong mùa Hè.

Giá LNG trên thị trường Châu Âu hiện cũng giao dịch ở mức gần cao nhất kể từ tháng 1/2021, trong bối cảnh giá carbon cao kỷ lục và thời tiết giá lạnh.

BofA Global Research cho biết, nhu cầu phát điện ở châu Âu hiện rất cao do lượng dự trữ xuống thấp dưới mức cùng thời điểm này ở các năm trước, gây nguy cơ thiếu hụt nguồn dự trữ trước khi mùa Đông tới.

Vì lý do này, giá điện ở Châu Âu đã tăng lên hơn 25 euro/megawatt-giờ (MW/h), so với 3,50 EUR/MWh vào tháng 5 năm ngoái, thông tin từ BofA Global Research cho biết.

Giá gas trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ giá thế giới, nhưng có độ trễ do khí từ lúc đặt hàng đến lúc giao hàng và bán tới tay khách hàng có thời gian vài tuần.

Liên tiếp trong 3 tháng đầu năm 2021, giá khí gas trong nước được điều chỉnh tăng với tổng mức tăng lên tới 50.500 đồng/bình 12 kg.

Sau đó, do giá khí gas thế giới giới giảm 65 USD/tấn trong tháng 4 và giảm 60 USD/tấn trong tháng 5 nên giá khí trong nước cũng giảm liên tiếp 2 tháng, đầu tháng 4/2021 giảm 20.500 đồng/bình 12 kg và đầu tháng 5/2021 giảm tiếp 19.000 đồng/bình 12 kg, đưa tổng mức giảm trong 2 tháng qua lên gần 40.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, giá khí gas trong nước vẫn tăng khoảng 10.000 đồng/bình 12 kg. Với việc giá khí đốt thế giới đang tăng như hiện nay, dự báo giá khí gas trong nước cũng sắp đảo chiều tăng trở lại.

Chiến lược gia về giao dịch hàng hóa và phái sinh của BofA, Francisco Blanch cho biết: “Thị trường vẫn căng thẳng do yếu tố thời tiết, gây áp lực làm giảm mạnh lượng dự trữ tới mức báo động”.

Tuần này, North West Shelf (NWS) của Australia đã đề nghị ít nhất một khách hàng Nhật Bản hoãn nhận hàng. Trong khi đó, Gas Co của Ai Cập đã lùi thời gian chào bán khí từ Idku/Damietta tới 22-23/5, thay vì 187/5 như dự kiến ban đầu.

Tương tự như hầu hết các mặt hàng khác, giá khí đốt cũng đang trong cơn bão giá, và hiện đã lên mức cao hơn so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 do kinh tế toàn cầu hồi phục, thời tiết mùa Đông năm nay ở Đông Bắc Á và Mỹ quá lạnh và một số giai đoạn nguồn cung bị gián đoạn.

Trên thực tế, giá khí đốt đã bắt đầu rục rịch tăng từ 12 tháng trước, tăng tốc trong mấy tháng đầu năm, theo đó trong quý I/2021 giá tại Mỹ và Nhật Bản đã tăng 40%.

Trước đó, vào tháng 2/2020, giá LNG ở Châu Âu xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều thập kỷ, giá nhập khẩu vào Nhật Bản cũng xuống đáy 15 năm. Suy thoái kinh tế toàn cầu khi đó đã dẫn tới nhu cầu LNG trên thế giới giảm 2%, mức giảm kỷ lục lịch sử.

Tuy nhiên, sau đó giá đã hồi phục nhanh chóng do nhu cầu hồi phục rất nhanh, trong khi nguồn cung thường xuyên gặp khó khăn.

Thời tiết lạnh giá và nhu cầu sử dụng điện chạy bằng khí đốt tăng đã khiến giá LNG giao ngay tại Nhật Bản tăng vọt, mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn.

Giá khí đốt Châu Á tăng gần gấp đôi chỉ sau 3 tháng do nguồn cung trên toàn cầu gián đoạn - Ảnh 1.

Giá khí gas tại các thị trường (nguồn: World Bank)

Trong khi đó, Châu Âu và Mỹ đang dần kết thúc việc sản xuất điện từ than đá. Tuy nhiên, công suất nhiệt điện ở Trung Quốc vẫn có xu hướng tăng.

Ngoài ra, việc vận chuyển LNG trở nên khó khăn do thiếu tàu biển, nguồn cung khí ở Indonesia và Australia bị gián đoạn, và tắc nghẽn ở kênh đào Suez dẫn tới việc giá LNG trên thị trường Nhật Bản tăng vọt lên mức cao kỷ lục.

Còn ở Mỹ, giá LNG tăng đột biến vào tháng 2 vừa qua là do nhiệt độ ở Texas giảm một cách bất thường, gây băng giá ở khu vực này và dẫn tới không chỉ nhu cầu khí tự nhiên tăng mạnh mà nguồn cung khí cũng bị sụt giảm do các giếng dầu bị đóng băng. Tuy nhiên, giá tại Mỹ tăng vọt vào tháng 2 cũng chỉ là tạm thời, bởi sau đó giá đã giảm xuống, tương tự như ở Nhật Bản.

Trong báo cáo vừa công bố, World Bank dự báo giá khí tự nhiên sẽ duy trì quanh mức hiện tại từ nay tới cuối năm 2021, tức là giá trung bình sẽ tăng khoảng 1/3 so với năm 2020. Trong đó, giá LNG tại Châu Âu sẽ tăng lên trong thời gian tới, trong khi giá tại Nhật Bản sẽ giảm nhẹ.

TIN NỔI BẬT

PHÂN TÍCH MỚI NHẤT

Đăng nhập to leave a comment

Bài liên quan

Dầu phiên Mỹ tăng giá, nhưng đà tăng của WTI chậm lại khi vượt qua mốc 70USD
Fitch Ratings: Xu hướng tăng giá quặng sắt sẽ tiếp diễn
Vì sao giá hàng hóa gần đây tăng vọt?